Đề xuất được Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu trong báo cáo gửi Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu gia hạn nộp bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi).
NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ MỚI VỚI DOANH NGHIỆP BỊ ẢNH HƯỞNG
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua số liệu thống kê sơ bộ của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sau bão, lũ, cho thấy cơ bản các doanh nghiệp đã chủ động kịp thời khắc phục bão, lũ để nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chỉ có khoảng 3,3 nghìn doanh nghiệp, đơn vị, tương ứng 93 nghìn lao động hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão, lũ đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái,... có đề xuất, kiến nghị về nội dung liên quan đến thực hiện việc giãn nộp bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị hạ thấp điều kiện so với quy định hiện hành để được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; được chậm đóng bảo hiểm xã hội và trong thời gian chậm đóng không phải nộp tiền lãi.
Sau khi nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận thấy cơ bản các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn nhất, các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh khác ít ảnh hưởng và thiệt hại hơn. Do đó, việc đề xuất này là hoàn toàn xác đáng.
Thực tiễn, trong thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn thì Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp,... cho các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động.
Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, nghiên cứu trình các chính sách hỗ trợ mới đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do bão số 3 gây ra.
Riêng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (sửa đổi, bổ sung chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất).
Đối tượng áp dụng gồm người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn bão, lũ vừa qua đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Các trường hợp này không bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch được ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ, hoặc một phân kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21⁄6/2021 của Chính phủ.
Theo đó, người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội đến hết tháng 8/2024 mà bị thiệt hại bởi bão, lũ số 3 trong tháng 9/2024, thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thẩm quyền xác định thiệt hại đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban nhân dân địa phương quản lý. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý thì Bộ, ngành xác định.
Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất dự kiến từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025. Thời hạn không quá 6 tháng kế từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
KHOẢNG 3,3 NGHÌN DOANH NGHIỆP CÓ THỂ ĐƯỢC TẠM DỪNG ĐÓNG
Với chính sách đề xuất trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự báo có khoảng 3,3 nghìn doanh nghiệp, đơn vị, với khoảng 93 nghìn lao động đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, thời hạn 6 tháng, với số tiền khoảng 740 tỷ đồng.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cho rằng thực hiện chính sách này, sẽ giúp doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động sớm khắc phục thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Từ đó, duy trì, tạo việc làm, góp phần duy trì, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, theo dự toán thu - chi quỹ hưu trí và tử tuất năm 2024, thì số tiền dự kiến tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 740 tỷ đồng, không ảnh hưởng đến cân đối thu - chi của quỹ này trong năm nay.
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất gồm: Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên, do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ, hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế, hoặc thực hiện cam kết quốc tế; hoặc gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất gồm: Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt, trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động, và người lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, để giải quyết chế độ cho người lao động.
Quỹ hưu trí và tử tuất là một trong 3 quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội, bên cạnh quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiện quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ lệ hơn 70% trong Quỹ Bảo hiểm xã hội.