Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có chuyến thị sát các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay Long Thành. Qua đó cho thấy, với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, còn nhiều dự án đang dang dở, chậm tiến độ; mới có 1/11 dự án thành phần hoàn thành (tuyến Cao Bồ - Mai Sơn khánh thành vào ngày 4/2). Còn với công tác xây dựng sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, chưa xứng tầm với công trình trọng điểm quốc gia. Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan cần phải có cách tiếp cận mới: thay đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề, làm việc nào phải dứt việc đấy; tăng cường tính kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, chống thông thầu, tham nhũng, lợi ích nhóm...
NHÀ THẦU CÀNG LÀM CÀNG LỖ
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm hỗ trợ các nhà thầu hoàn thành thắng lợi trong thời gian sớm nhất các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, VACC kiến nghị: đối với các dự án lớn như các đường cao tốc, sân bay như Long Thành… cần phân chia gói thầu hợp lý để tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, huy động được lực lượng công nhân lành nghề hoạt động có hiệu quả. Theo nhiều ý kiến của nhiều doanh nghiệp, gói thầu trong các công trình giao thông trọng điểm quốc gia khoảng 5.000 đến 10.000 tỷ đồng là hợp lý.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều nhà thầu, hệ thống định mức mới (Nghị định 68) ban hành quá thấp, nhiều định mức giảm đến 30 - 40% không phản ánh đúng hao phí sản xuất của doanh nghiệp. Với hệ thống định mức này, cộng với giá vật liệu công bố thấp của các địa phương thì nhà thầu càng làm càng lỗ, không có điều kiện để đổi mới công nghệ phát triển sản xuất thậm chí nhiều việc chưa làm đã thấy lỗ nên rất nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ xây dựng xem xét điều chỉnh ngay một số định mức của một số công tác quá thấp cho phù hợp với thực tế sản xuất và bổ sung thêm các định mức cho các công nghệ mới của ngành giao thông hiện đang phải thi công mà chưa có định mức (ví như cầu dây văng…)
Một vấn đề nữa là đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành xây dựng, gây thiệt hại trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng… nhưng các quy định hiện hành không có hướng dẫn tháo gỡ cho các hợp đồng trọn gói đang vướng mắc do dịch bệnh. Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng có quy định hướng dẫn về điều kiện bất khả kháng đối với hợp đồng xây dựng quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 143 Luật xây dựng, trong đó dịch bệnh Covid - 19 được coi là một trường hợp bất khả kháng để làm cơ sở điều chỉnh hợp đồng xây dựng và bổ sung chi phí cho các hợp đồng xây dựng.
Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều chủng loại vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là giá thép và các sản phẩm từ thép có thời điểm tăng 40%, các vật liệu khác như cát, đá, xi măng, bê tông nhựa…cũng tăng cao. Giá vật liệu lại do các địa phương tỉnh, thành phố công bố thường thấp hơn nhiều giá thị trường và thường chậm không theo kịp thay đổi giá thị trường. Đồng thời thường không phù hợp với chỉ số giá cho công trình có quy mô lớn, như đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành… Từ đó đã ảnh hưởng việc xác định đơn giá của nhà thầu.
Vì vậy, VACC kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành chỉ số giá cho các công trình trọng điểm cấp Quốc gia làm cơ sở điều chỉnh giá (như đường cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành…) để làm cơ sở điều chỉnh giá gói thầu. Thời gian công bố 6 tháng một lần; Cho phép được điều chỉnh một số loại vật liệu như thép xây dựng các loại, vật liệu từ thép, cát, đá, xi măng, nguyên liệu sản xuất bê tông nhựa trong các hợp đồng trọn gói thi công trong năm 2021.
NỢ ĐỌNG CƠ BẢN VẪN LÀ VẤN ĐỀ NHỨC NHỐI
Hơn nữa, nợ đọng trong xây dựng vẫn đang gây khó khăn, nhức nhối cho nhà thầu, có gói thầu nợ đọng tới gần 20% sau 7 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa được thanh toán. Theo Luật đấu thầu quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu, nhà thầu phải có 4 lần bảo lãnh rất chặt chẽ (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng). Nhưng vốn đảm bảo thanh toán cho nhà thầu thì không được chủ đầu tư đảm bảo nên dẫn đến tình trạng không có vốn thanh toán cho nhà thầu. Để giải quyết vấn đề này cần phải có cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư.
“Khi thực hiện xong 60 - 65% giá trị khối lượng gói thầu thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu. Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu. Để giảm nợ đọng trong xây dựng và chống tiêu cực, cần bổ sung cơ chế trong khâu nghiệm thu công trình: Công trình chỉ được đưa vào sử dụng khi đã ký nghiệm thu, quyết toán xong các gói thầu theo quy định của pháp luật”, VACC đề xuất.