July 18, 2021 | 12:28 GMT+7

Đề xuất thí điểm sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ năm 2026

Phúc Minh -

Những tỉnh chưa đạt 50% một trong 2 tiêu chuẩn về diện tích, quy mô dân số sẽ thuộc diện xem xét sáp nhập từ năm 2026…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ đang xây dựng tờ trình và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến nhân dân.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Bộ Nội vụ đặt mục tiêu từ năm 2022 - 2026 thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Liên quan đến tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh đối với tỉnh miền núi và tỉnh không phải miền núi.

Cụ thể, về quy mô dân số, tỉnh miền núi, vùng cao, có quy mô dân số từ 900.000 người trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn được quy định thì quy mô dân số từ 700.000 người trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi thì quy mô dân số từ 1,4 triệu người trở lên.

Về diện tích tự nhiên, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên, tỉnh không phải miền núi từ 5.000 km2 trở lên.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã miền núi, vùng cao theo hướng tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung, thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định để phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít…

Theo Bộ Nội vụ, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị và các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao.

Trên cơ sở đó, quy định điều khoản áp dụng đối với việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, làm căn cứ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thí điểm ở cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất bổ sung một điều quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác.

Ví dụ như quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người); diện tích tự nhiên từ 150km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%).

Dự kiến vào tháng 9/2021, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thực hiện làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong các năm 2022-2026 và định hướng đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 
Báo cáo về kết quả của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Nội vụ cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 1211, đặc biệt sau hơn 2 năm (2019-2021), bước đầu đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị).
Theo đó, các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm: 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn). Đồng thời, đã triển khai được mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM).
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate