June 14, 2021 | 17:22 GMT+7

Đề xuất vay ngoại tệ xây "siêu" sân bay Long Thành

Anh Tú -

ACV đề nghị xem xét phương án vay trong nước bằng ngoại tệ USD và trả bằng USD cho "siêu" sân bay Long Thành nhằm đảm bảo lợi ích, hiệu quả dự án...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về phương án vay trong nước bằng ngoại tệ USD và trả bằng USD cho dự án sân bay Long Thành, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích, hiệu quả dự án.

Lý giải về điều này, Lãnh đạo ACV cho biết hiện nay, các ngân hàng quốc doanh trong nước đang dư nguồn USD cần tìm đối tác cho vay tin cậy và đem tới lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài. Phương án này đảm bảo lợi ích cho nhà nước, nâng cao hiệu quả của dự án và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước ACV.

 
"Lãi suất cho vay bằng USD luôn thấp hơn đáng kể so với Việt Nam đồng. Trong khi đó, ACV có nguồn thu USD trực tiếp và gián tiếp từ hoạt động kinh doanh, khai thác các cảng hàng không quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc... để trả lãi vay ngoại tệ".
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cũng thông tin, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được quyết tâm, tập trung triển khai khẩn trương.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đặc biệt, toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế bị dừng đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ chính của ACV. Bên cạnh đó, các đợt bùng phát dịch bệnh ở một số địa phương cũng làm giảm đáng kể sản lượng hành khách nội địa.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến công tác triển khai dự án sân bay Long Thành cũng gặp khó khăn trong việc thương thảo, ký kết hợp đồng với các đơn vị đối tác có chuyên gia nước ngoài. Một số cán bộ, nhân viên, người lao động phải cách ly, không tham gia làm việc trực tiếp tại các dự án...

Hơn nữa, đại diện ACV cho hay, biến động giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong khi tổng mức đầu tư, dự toán chi tiết được xây dựng theo định mức được nhà nước ban hành chưa điều chỉnh kịp thời theo biến động của thị trường cũng gây khó khăn trong việc triển khai dự án.

Do vậy, ACV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV tích lũy nguồn tiền tối đa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để đầu tư trên cơ sở phương án bổ sung vốn điều lệ hàng năm từ lợi nhuận sau thuế, không sử dụng ngân sách nhà nước. 

ACV cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án cho phép ACV vay các ngân hàng quốc doanh trong nước bằng USD và trả bằng USD nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay.

 
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn.
Khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Trong giai đoạn 1 của dự án, đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate