August 21, 2024 | 11:36 GMT+7

Đề xuất việc người lao động chưa hưởng lương hưu không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nhật Dương -

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là một trong những trường hợp mới được bổ sung vào nhóm không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi sửa Luật Việc làm...

Người hưởng lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Minh.
Người hưởng lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Minh.

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

LÀM RÕ TRƯỜNG HỢP ĐỦ ĐIỀU KIỆN NHƯNG CHƯA HƯỞNG LƯƠNG HƯU

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo luật lần này là quy định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng chưa hưởng lương hưu sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Góp ý về nội dung này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Hà Nội, Long An đều đề nghị quy định rõ trường hợp “Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu”. Trong khi đó, AmCham Việt Nam đề nghị loại bỏ hẳn điều kiện này.

Phản hồi đề xuất góp ý của các đơn vị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo, nhằm loại trừ các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, tức điều kiện đủ về số năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng chưa có nhu cầu hưởng chế độ hưu trí.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung theo hướng quy định "người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.

Ngoài điều kiện trên, đề xuất trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động, cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

ManpowerGroup Việt Nam đề nghị xem xét quy định theo hướng “người thất nghiệp” là được hưởng, không phân biệt lý do. "Dù bất kỳ lý do nào, khoản bảo hiểm này đều mang tính bù đắp cho khoản thu nhập bị mất do mất việc làm", ManpowerGroup Việt Nam góp ý.

Ngoài ra, đơn vị này cho rằng trường hợp quy định cụ thể lý do chấm dứt hơp đồng, ví dụ như sa thải, bị xử lý kỷ luật,… sẽ làm hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động.

Cũng về nội dung này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, AmCham Việt Nam, Công ty Canon đề nghị giữ nguyên quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Dương, Nghệ An, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Luật Việc làm 2013.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC HƯỞNG ĐÚNG CHẾ ĐỘ

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua tổng hợp ý kiến của các cấp công đoàn, đa số các đơn vị được lấy ý kiến đồng tình với việc người lao động nghỉ việc đúng pháp luật được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho họ khi nghỉ việc, đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động.

Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.
Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.

Chính sách trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động nghỉ việc đúng pháp luật vừa là quyền, vừa là cơ hội để người lao động quan tâm đến công tác an sinh, phát triển việc làm của Nhà nước.

Người lao động bị sa thải được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động
theo quy định pháp luật. Mặc dù lý do bị sa thải cơ bản là do người lao động vi phạm kỷ luật lao động, nhưng cần xem xét hậu quả của việc người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận lao động.

Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động được tiếp tục tham gia vào việc làm chính thức, tiếp tục tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Giải trình về vấn đề trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục đề nghị giữ nguyên như đề xuất của dự thảo luật. Bộ này cho rằng cần phân biệt về lý do chấm dứt hợp đồng lao động nhằm loại trừ được các trường hợp người lao động bị sa thải do vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty (phá hoại, tự ý bỏ việc,…) để thực sự hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro về việc làm, hạn chế việc lạm dụng chính sách.

Cơ quan soạn thảo tiếp thu và dự kiến sửa đổi theo hướng quy định về các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo luật dự kiến quy định thêm hình thức nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định pháp luật, theo hướng giao Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, điều kiện về thời gian tìm được việc làm kể từ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, cũng được đề xuất rút ngắn còn 10 ngày, thay vì 15 ngày như quy định hiện hành.

Theo đó, dự thảo luật quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không thuộc trường hợp sau đây thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bao gồm: Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; chết.

 

Điều 111 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 97 Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 Luật này theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

(a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động.

b) Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

c) Người lao động hưởng lương hưu.

d) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng chưa hưởng lương hưu.

(2) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 Luật này theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có thời hạn từ đủ 1 tháng đến 12 tháng.

(3) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật này.

(4) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không thuộc trường hợp sau đây:

a) Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; b) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; c) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; d) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; đ) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; e) Ra nước ngoài định cư; g) Chết.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp tháng 10/2024. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate