February 26, 2011 | 12:13 GMT+7

Đề xuất xây hầm đường bộ vượt sông Hồng

Bảo Trang

Đề xuất xây hầm đường bộ vượt sông Hồng vừa được hai doanh nghiệp gửi lên lãnh đạo thành phố Hà Nội

Vị trí đề xuất xây dựng hầm nằm cách cầu Chương Dương khoảng 2km về phía Nam.
Vị trí đề xuất xây dựng hầm nằm cách cầu Chương Dương khoảng 2km về phía Nam.
Đề xuất xây hầm đường bộ vượt sông Hồng vừa được hai doanh nghiệp gửi lên lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Theo đó, cả Công ty Cổ phần VinGroup và Công ty Trường An (Bộ Quốc phòng) đều kiến nghị được làm chủ đầu tư dự án trên theo hình thức BT, nhưng đổi lại doanh nghiệp được khai thác quỹ đất ven sông Hồng để hoàn vốn.

Dự kiến đường hầm dài khoảng 1,5 km, 4 làn xe, rộng khoảng 18 - 20 m, bắt đầu tại vị trí cuối đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) đi ngầm qua sông và nối với mạng lưới giao thông của quận Long Biên.

Tại cuộc họp của lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 25/2 để xem xét đề xuất trên, hầu hết đại diện Sở Kế hoạc Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc, Giao thông Vận tải và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đều đồng tình với việc xây dựng hầm đường bộ qua sông Hồng.

Các ý kiến đều cho rằng, việc làm cầu nổi sẽ tốn kém vì phải giải phóng mặt bằng hai bên đầu cầu. Ngoài ra, hầm đường bộ sẽ không ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ trên sông Hồng.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình, về cơ bản thành phố thống nhất việc cần thiết xây dựng thêm tuyến giao thông nối hai bờ sông Hồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các cơ quan đưa ra các lý lẽ, phản biện thuyết phục hơn về tính cần thiết của việc xây dựng hầm đường bộ qua sông Hồng và thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư về khả năng thực hiện dự án.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, nếu được Thường trực Thành ủy thông qua, đề án sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt.

Như vậy, cùng với các đề án xây dựng đường bộ, đường sắt trên cao, việc xây dựng hầm đường bộ vượt sông Hồng được xem là một trong những bài toán góp phần quan trọng giải quyết nạn ùn tắc giao thông của Thủ đô hiện nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate