Sau khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek bất ngờ nổi đình đám, nỗi lo bỏ lỡ cơ hội từ “cơn sốt” AI ở Trung Quốc đang khiến giới đầu tư toàn cầu bắt đầu quan tâm trở lại đối với cổ phiếu công nghệ tại quốc gia châu Á này.
Tính từ đầu năm đến phiên giao dịch ngày 12/2, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông - gồm nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn của Trung Quốc như Tencent và Alibaba - đã tăng gần 9%.
Theo đó, Hang Seng trở thành chỉ số chứng khoán lớn tăng mạnh nhất tại châu Á, vượt qua KOSPI của Hàn Quốc với mức tăng 6,2%. Chỉ số Nikkei của Nhật thậm chí giảm 2,3% từ đầu năm.
"CƠN SỐT" DEEPSEEK TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc, gồm các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, giảm 0,38%. Khác với Hang Seng gồm nhiều cổ phiếu công nghệ, chỉ số này gồm nhiều công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống của Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Alibaba giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông đã tăng hơn 38%. Cổ phiếu Xiaomi - công ty sản xuất điện thoại thông minh và xe điện - tăng giá gần 28%, trong khi cổ phiếu công ty phần mềm Kingsoft tăng gần 29%. Chỉ số Hang Seng Tech Index, gồm 30 cổ phiếu công nghệ lớn nhất niêm yết tại Hồng Kông, cũng tăng hơn 18%, đưa tổng vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu này tăng thêm khoảng 217 tỷ USD.
“Chủ đề AI Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm lớn khi nhà đầu tư lạc quan rằng thành công của DeepSeek có thể đẩy nhanh quá trình ứng dụng AI tại quốc gia này”, ông Richard Tang, giám đốc nghiên cứu Hồng Kông tại ngân hàng Julius Baer, nhận định trong một báo cáo ngày 11/2. “Các công ty internet lớn của Trung Quốc có thể được hưởng lợi lớn xu hướng này”.
Diễn biễn tích cực của nhóm cổ phiếu công nghệ Trung Quốc được thúc đẩy chủ yếu nhờ sự ra đời của mô hình AI tạo sinh DeepSeek vào tháng trước. Đây được quảng cáo là mô hình AI tiên tiến với chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình tương tự ở Mỹ.
“Cơn sốt” này ngược lại với những gì đang diễn ra tại các thị trường khác như Mỹ, Đài Loan, nơi ngày càng nhiều người tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của những khoản đầu tư khổng lồ vào phần cứng để đào tạo và chạy các mô hình AI. Sự hoài nghi này cùng với sự ra đời của DeepSeek như một “giọt nước tràn ly” đã gây ra một đợt bán tháo các cổ phiếu công nghệ Mỹ như Nvidia.
Từ kỳ nghỉ Tết Âm lịch cho tới tuần trước, các công ty Trung Quốc đua nhau công bố việc hơp tác với DeepSeek. Ngày 20/1, công ty công nghệ an ninh 360 Security Technology chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh sau thông báo một ngày trước đó về dự báo lỗ 1,15 tỷ nhân dân tệ (160 triệu USD) năm 2024. Tuy nhiên, trong tháng 2, mã này có tới 3 phiên giao dịch bị gắn cảnh báo “bất thường” do giá tăng hơn 20%.
"THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA NHÀ ĐẦU TƯ"
Theo tờ báo Nikkei Asia, 360 Security Technology là một trong số ít nhất 20 công ty Trung Quốc công bố việc tích hợp hợp DeepSeek vào dịch vụ của mình sớm nhất. Những công ty này, bao gồm doanh nghiệp viễn thông, công ty công nghệ, nhà sản xuất ô tô, ghi nhận giá cổ phiếu tăng mạnh sau khi thông báo hợp tác với DeepSeek.
Tính từ phiên giao dịch ngày 27/1 đến 12/2, giá cổ phiếu 360 Security Technology đã tăng gần 19%. Vào ngày 2/2, khi thị trường vẫn đang nghỉ lễ, công ty này thông báo tích hợp DeepSeek vào mô hình AI của mình. Thị trường chứng khoán Trung Quốc nghỉ Tết Âm lịch từ ngày 28/1 tới ngày 4/2.
Công ty con điện toán đám mây AliCloud của Alibaba là một trong số ít thu phí với người dùng sử dụng các dịch vụ được tích hợp DeepSeek của mình.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley, DeepSeek đã làm “thay đổi tư duy” của giới đầu tư”.
“Các nhà đầu tư đang nhìn thấy tiềm năng Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách phát triển AI với Mỹ và họ cho rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của Bắc Kinh có thể thúc đẩy quá trình này”, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo hôm 11/2.
“Nhà đầu tư toàn cầu sẽ bắt đầu đánh giá lại việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và AI của Trung Quốc, sau thời gian dài giảm quan tâm. Tư duy mới có thể thúc đẩy họ đầu tư dài hạn hơn thay vì chỉ ‘lướt sóng’ các đợt tăng ngắn hạn do đồn đoán về các biện pháp hỗ trợ của chính phủ”.
Thời gian qua, DeepSeek cũng vấp phải nhiều tranh cãi, từ những hoài nghi về chi phí phát triển thực sự cho tới lo ngại về việc thu thập dữ liệu của ứng dụng này. Một số quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng DeepSeek trên các thiết bị của chính phủ. Một số nghị sĩ Mỹ cũng đã đề xuất lệnh cấm đối với ứng dụng này.
Tuy nhiên, “cơn sốt” DeepSeek vẫn được đánh giá là một cú huých lớn vào thời điểm tâm lý nhà đầu tư bi quan về nhu cầu tiêu dùng yếu tại Trung Quốc cũng như nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ.
Dù giữ lập trường thận trọng về nền kinh tế Trung Quốc do cuộc khủng hoảng bất động sản, ngân hàng Pháp BNP Paribas gần đây đưa ra nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán Trung Quốc, đặc biệt là chỉ số Hang Seng Tech Index, nhóm gồm nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã công bố hợp tác với DeepSeek.
“Với khách hàng của chúng tôi, mối quan tâm chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ”, bà Grace Tam, cố vấn đầu tư chính của BNP Paribas Wealth Management, cho biết. “Các nhà đầu tư đang bị thu hút bởi tiềm năng đổi mới sáng tạo từ những diễn biến xoay quanh DeepSeek”.