February 19, 2022 | 18:58 GMT+7

Đến 2030, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai tăng thêm gần 2.100ha đất ở

Ban Mai -

Từ nay đến năm 2030, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, sẽ tiến hành chuyển đổi gần 6.100ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó, đất ở tăng thêm gần 2.100ha…

Khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 5367 về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Nhơn Trạch.

Với mục tiêu đô thị hoá nhanh, huyện Nhơn Trạch sẽ giảm diện tích đất nông nghiệp từ 22.933ha xuống còn 16.834ha, tương ứng với giảm tỷ lệ đất nông nghiệp từ mức gần 61% xuống còn gần 45%.

Như vậy, từ nay đến năm 2030, huyện sẽ tiến hành chuyển đổi gần 6.100ha đất nông nghiệp (gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm) sang đất phi nông nghiệp, để triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị tại các xã và thị trấn Hiệp Phước…

Trong đó, diện tích đất ở tăng thêm gần 2.100ha so với hiện nay và đạt mức 4.095ha, gồm: diện tích đất ở nông thôn tăng từ 1.817,9ha lên hơn 3.836ha nhằm thực hiện mở rộng các khu dân cư hiện hữu và phát triển các dự án khu dân cư thương mại trên địa bàn; diện tích đất ở đô thị tăng từ 231,7ha lên 259,5ha nhằm bố trí các dự án khu dân cư tại thị trấn Hiệp Phước.

Đất khu công nghiệp tăng thêm 849ha, lên mức 3.658ha, nhằm tiếp tục thực hiện các công trình khu công nghiệp Ông Kèo với 498,64ha (tại xã Phước Khánh) và khu công nghiệp Phước An 330ha.

Đất thương mại - dịch vụ tăng thêm 674,3ha so với năm 2020, đạt mức 996,5ha. Diện tích tăng chủ yếu để quy hoạch các dự án phục vụ phát triển thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng ở thuộc các khu vực xã Đại Phước, Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội, Phước Thiền…

Theo Quyết định số 455 (ngày 22/3/2016) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, Nhơn Trạch hướng tới thành phố đô thị loại II, sẽ phát triển không gian đô thị mới gồm 08 phân khu (04 khu vực phát triển đô thị: phân khu 1, 2, 3, 4); 03 khu vực phát triển công nghiệp, cảng, dịch vụ hậu cần cảng (gồm phân khu 5, 6, 7) và 01 khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn (phân khu 8).

Nhằm đưa Nhơn Trạch dần phát triển thành đô thị mới trong tương lai, dự kiến khu vực nội thị gồm toàn bộ không gian phía Bắc và phía Đông huyện Nhơn Trạch giới hạn bởi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường đi TP. Thủ Đức, TP.HCM. Khu vực ngoại thị thuộc vùng phía Nam và phía Tây huyện Nhơn Trạch là vùng hạn chế phát triển.

Trong đó, khu vực nội thị hình thành lõi trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch trên cơ sở mở rộng trung tâm huyện Nhơn Trạch hiện hữu. Tạo dựng các trục đường 25B, đường 25C trở thành trục không gian cảnh quan và thương mại chính của đô thị Nhơn Trạch.

Xây dựng quảng trường đô thị tại dự án khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân để tổ chức những sự kiện văn hóa, giải trí lớn có ý nghĩa của toàn đô thị.

Xây dựng trung tâm hành chính - văn hóa đô thị Nhơn Trạch, khu thương mại dịch vụ cấp vùng tại Khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch giáp tuyến 25C. Ngoại trừ các dự án đang triển khai, không phát triển đất ở mới. Giảm mật độ dân số, mật độ xây dựng các điểm dân cư Hiệp Phước, Phước Thiền, Phú Hội, khuyến khích dân cư dịch chuyển vào khu vực xây dựng đô thị mới. Kiểm soát hành lang cây xanh cách ly xung quanh khu công nghiệp.

Vùng đất ven sông Đồng Nai và cao tốc Long Thành - Dầu Giây phát triển các khu chức năng chuyên ngành, các khu đô thị mật độ thấp bao gồm: Hình thành làng đại học kết hợp với các chức năng dịch vụ đầu mối cấp vùng tại nút giao đường 319 và cao tốc Long Thành - Dầu Giây tạo ra hiệu ứng phát triển đô thị cho không gian xung quanh.

Khu vực đầu mối giao thông với đường Vành đai 3 - TP.HCM, xây dựng bệnh viện cấp vùng và khu dịch vụ hỗ trợ là trung tâm khu đô thị sinh thái mật độ thấp kết hợp với không gian cây xanh mặt nước hướng mở ra sông Đồng Nai.

Khu vực cù Lao Ông Cồn, khu vực hai bên sông giữa tuyến Vành đai 3 và hành lang cách ly đường điện và vùng trũng khu rạch Bà Ký phát triển khu đô thị du lịch và du lịch sinh thái mật độ thấp.

Phấn đấu đến năm 2030, thị trấn Hiệp Phước đạt các tiêu chí phân loại đô thị loại IV đảm bảo phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội, dịch vụ đô thị, cây xanh đô thị, hạ tầng môi trường…

Về phát triển khu dân cư nông thôn, huyện Nhơn Trạch tập trung phát triển mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản: dự án khu dân cư hiện có thuộc các xã Phú Đông, Phú Hữu, Phước Khánh tiếp tục triển khai đảm bảo mật độ xây dựng thấp.

Về phát triển khu công nghiệp, đến năm 2030, bên cạnh các khu công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp hiện nay đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định, tiếp tục hoàn thiện và lấp đầy các khu công nghiệp VI - D, khu công nghiệp Ông Kèo, khu công nghiệp dịch vụ Hậu cần Cảng.

 

Dự án cầu Cát Lái nối Đồng Nai – TP.HCM

Huyện Nhơn Trạch nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai, có vị trí thuân lợi Nhơn Trạch có vị trí địa lý thuận lợi là tâm điểm tam giác giữa TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu nên đang được quy hoạch thành đô thị loại II.

Từ TP.HCM có thể đi phà Cát Lái qua sông Đồng Nai - Nhà Bè là đến địa phận huyện Nhơn Trạch. Do đó, câu chuyện xây cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái được đặt ra từ 20 năm nay để nối 02 địa phương “gần nhà xa ngõ” là Đồng Nai và TP.HCM. Nhưng đến nay dự án cầu Cát Lái vẫn “ách tắc” do thiếu kinh phí và chưa có sự thống nhất của chính quyền địa phương hai đầu cầu.

Mới đây, theo ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, nếu được TP.HCM thống nhất hướng tuyến xây Cầu Cát Lái, Đồng Nai sẽ nhanh chóng lập quy hoạch, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lựa chọn nhà đầu tư, và có thể khởi công xây cầu trong năm 2023.

Cây cầu huyết mạch được hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa Đồng Nai và TP.HCM rất nhiều.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate