March 15, 2015 | 08:11 GMT+7

“Đến cơ quan không làm việc cũng là tham nhũng”

Song Hà

Thực tiễn nạn tham nhũng đang nảy sinh những biến tấu khó lường khiến pháp luật không dễ ngăn chặn

Do những biến thể của hành vi tham nhũng trong thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ cứng nhắc với khái niệm “thu hồi tài sản” e sẽ khó mà xử lý được hết các trường hợp tham nhũng - Minh hoạ: Khều.<br>
Do những biến thể của hành vi tham nhũng trong thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ cứng nhắc với khái niệm “thu hồi tài sản” e sẽ khó mà xử lý được hết các trường hợp tham nhũng - Minh hoạ: Khều.<br>
Đang có nhiều ý kiến trái chiều trong việc thu hồi tài sản tham nhũng bởi thực tế có những trường hợp lợi ích thu được từ hành vi tham nhũng không hẳn chỉ là tiền, tài sản.

Tại cuộc hội thảo công bố dự thảo báo cáo chuyên đề “Thu hồi tài sản tham nhũng ” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức hôm 13/3 vừa qua, không ít chuyên gia đã đặt ra những “tình huống khó” cho việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

“Hối lộ tình cảm” thì thu hồi kiểu gì?

Báo cáo của nhóm nghiên cứu tại hội thảo cho thấy, thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn, thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều bất cập, tỷ lệ thu hồi còn thấp. Năm 2013 tỷ lệ số tiền, tài sản thu hồi đạt được chưa đến 10%; năm 2014 đạt trên 22%, thấp hơn nhiều so với số tiền, tài sản thực tế bị tham nhũng.

Không những thế, do những biến thể của hành vi tham nhũng trong thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ cứng nhắc với khái niệm “thu hồi tài sản” e sẽ khó mà xử lý được hết các trường hợp tham nhũng.

GS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, cho rằng thu hồi tài sản tham nhũng mà chỉ dùng từ “tài sản” thì sẽ không phù hợp với thực tế vì sẽ có nhiều hành vi hối lộ, tham nhũng nhưng sẽ “khó thu hồi”.

“Chẳng hạn một ông quan chức không cần tiền mà chỉ cần nhận những giây phút sung sướng. Ông ấy sẵn sàng bố trí việc làm cho cô gái để đổi lấy điều mình mong muốn. Vậy khi chúng ta thu hồi tài sản thì thu hồi cái gì ở đây?”, ông Hạnh nêu câu hỏi.

Không chỉ là “hối lộ tình cảm”, chuyên gia này còn dẫn ra tình trạng “trao đi dổi lại” những lợi ích không tính được bằng tiền. Ví dụ, một ông thứ trưởng đang rất mong muốn có bằng tiến sĩ nên bổ nhiệm con của ông hiệu trưởng trường đại học vào vị trí trong cơ quan nhà nước không đúng quy trình điều kiện, thì chúng ta sẽ thu hồi như thế nào, thu hồi cái gì, ông Hạnh băn khoăn.

Chính vì vậy, ông Hạnh cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng phải tính đến không chỉ tài sản mà phải hủy bỏ tất cả những lợi ích có được từ hành vi tham nhũng.

“Chúng ta có Luật Phòng chống tham nhũng, có Bộ luật Hình sự được sửa nhiều lần nhưng tham nhũng diễn ra, tài sản tham nhũng vẫn nằm trong gia tộc của người tham nhũng, nhà ở, con cái”.

Nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Đặng Quang Phương chỉ ra rằng thực tế tại Việt Nam hiện nay, loại tội phạm “ẩn” nhiều nhất là tham nhũng, loại tội phạm này “ẩn” nên rất khó phát hiện được, lại không xử lý hình sự được, trong khi loại tội phạm này lại làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước.

“Chúng ta thường nói 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, hay đến cơ quan nhưng không làm việc, đó cũng là tham nhũng”, ông Phương nêu ví dụ.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn nói, cần phải thống nhất khái niệm tài sản tham nhũng, xác định rõ là thu hồi cái gì?

Theo ông Tuấn, tài sản tham nhũng là tài sản do người có chức vụ quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình mà chiếm đoạt. Ngoài ra, tài sản tham nhũng còn được hiểu là tài sản có được do nhận hối lộ hoặc là tài sản phát sinh từ hành vi tham nhũng.

Hiện chúng ta đang có hai phương án xử lý tài sản tham nhũng, hoặc áp dụng hình phạt thật mạnh, thật nghiêm khắc để răn đe, hoặc tước đoạt trả về cho chủ sở hữu hợp pháp, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng thừa nhận, quy định về thu hồi tài sản tham nhũng của chúng ta hiện nay hơi tản mát, chưa tập trung.

Bên cạnh đó, hiện có một nội dung nữa mà chúng ta đang “mắc” đó là các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay vẫn chưa có nhiều và chính điều này làm cho việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.

“Rất nhiều tài sản của nhà nước qua hợp đồng mua bán tàn sản lớn, đối tượng nước ngoài được thụ hưởng tái sinh từ hành vi tham nhũng trong nước, nhưng hiện nay chúng ta không có cơ chế, không có quy định. Hiệp định tương trợ Tư pháp để chúng ta thu hồi, như tài sản đáng giá 10 đồng nhưng anh nhận tham nhũng từ đối tượng có tài sản kê giá lên 100 đồng, khi đó bên bán tài sản sẽ hưởng lợi từ ngân sách nhà nước”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng kiến nghị các cơ chế kiểm soát người có thu nhập, người có chức vụ quyền hạn, Đảng và Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện sớm để có cơ sở xác định đâu là tài sản làm giàu bất chính, ngoài những tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Bộ luật Hình sự cũng cần bổ sung những quy định về hành vi làm giàu bất chính, tiếp tục hoàn thiện một số quy định mang tính chất hệ thống để hình sự hóa được hành vi làm giàu bất chính.

Cần chặn gửi tiền ở nước ngoài

Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm chuyên gia thực hiện đề án nói trên đã đề xuất một số biện pháp nhằm thu hồi tài sản tham nhũng.

Cụ thể, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng mức phạt tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả, giúp tăng khả năng thu hồi tài sản. Nếu người tham nhũng đã trả lại hết tài sản tham nhũng, đã bồi thường đầy đủ thiệt hại do tham nhũng gây ra thì có thể xem xét áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt.

Trong trường hợp đặc biệt có thể miễn trách nhiệm hình sự, chuyển xử lý hành chính. Nhà nước cũng cần sửa đổi toàn diện, trong đó bổ sung quy định về việc thu hồi, nộp ngân sách nhà nước đối với những tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà đối tượng kê khai không chứng minh được về khoản tăng thêm.

Đặc biệt, để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài, nhóm nghiên cứu đề nghị cần quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng đề nghị bổ sung các quy định về việc cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt với một số loại tội, trong đó có các tội về tham nhũng như: ghi âm, nghe điện thoại, kiểm tra thư tín, tài sản ngân hàng... giúp nhanh chóng phát hiện, làm rõ hành vi và tài sản do tham nhũng mang lại.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate