February 28, 2024 | 11:19 GMT+7

Đến năm 2050, xây dựng ngành công nghiệp dược Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất giá trị cao

Phúc Minh -

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2050, hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch gồm hệ thống các cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần; y tế dự phòng, y tế công cộng; kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế, sản xuất dược phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế; lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản.

Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân.

Đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,0 dược sĩ trên 10.000 dân, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15% tổng số giường bệnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao.

Phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 25% tổng số giường bệnh.

Liên quan đến vấn đề phát triển công nghiệp dược, hiện nay Bộ Y tế cũng đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn.

Một trong nhóm chính sách đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc/nguyên liệu thuốc sinh học, thuốc dược liệu được tiêu chuẩn hóa, nguyên liệu từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước…

Lí do cần thiết sửa đổi để thúc đẩy công nghiệp dược trong nước, theo Bộ Y tế là chính sách hiện nay tại Luật Dược, ví dụ ưu tiên sản xuất thuốc generic…, không còn hoàn toàn phù hợp với nhu cầu cung cấp thuốc, mô hình bệnh tật, các dịch bệnh mới tại Việt Nam.

Cần có các chính sách phù hợp để thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị; đặc biệt là nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ sản xuất thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Bên cạnh đó, các chính sách chưa thực sự thúc đẩy phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt chất tinh khiết chiết xuất từ dược liệu là thế mạnh của Việt Nam cũng như nguyên liệu sinh học, dẫn đến chưa thu hút được các cơ sở sản xuất đầu tư nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate