February 05, 2022 | 08:00 GMT+7

Dệt tương lai làng nghề từ tinh túy quốc hoa

Tường Bách -

Làng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) là một làng nghề truyền thống lâu đời, nổi danh với nghề canh cửi thuộc đất Hà Tây cũ. Nằm ven bờ sông Đáy, bên những nương dâu xanh ngắt và những hồ sen hồng mùa hạ, thật đáng mừng là đến nay làng Phùng Xá vẫn rộn rã tiếng thoi đưa...

Đón làn gió đổi mới từ nền kinh tế thị trường nhưng làng Phùng Xá vẫn còn đó nhiều thế hệ nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống. Có những người cao tuổi vẫn tận tâm, trăn trở với nghề, lại có thêm những lớp trẻ năng động, cởi mở, đưa làng nghề lên một tầm cao mới.

Trong số đó, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hà Nội), người luôn sáng tạo để tìm ra những lối đi mới thích nghi với thời cuộc. Ở tuổi 70, bà vẫn đang ươm mầm những thế hệ thứ tư, thứ năm để nối nghiệp xe tơ, dệt lụa. 

TỪ DỆT TƠ TẰM ĐẾN DỆT TƠ SEN

Những năm gần đây, sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường đã khiến sản phẩm tơ lụa công nghiệp áp đảo hàng thủ công. Đã có những thời điểm, bà con các hợp tác xã ngậm ngùi vung dao chặt bỏ hàng nghìn héc ta dâu để lấy đất cấy lúa. Là thế hệ thứ ba trong gia đình cha truyền con nối, khi thấy con tằm bỗng dưng bị người ta “hắt hủi”, nghệ nhân đứt từng khúc ruột. Khi ấy, dù chưa nhìn thấy hướng đi của tương lai, bà Thuận vẫn thầm hứa với tiên tổ: bằng mọi giá sẽ gây dựng lại cơ nghiệp.

Chưa quên những ngày tháng ấy, ông Lê Đăng Hạ, chồng bà Thuận, chia sẻ: “Một mình bà ấy lặng lẽ âm thầm dựng lại từng nong tằm. Để có cái cho tằm ăn, ngày ngày vợ tôi đạp xe đi xin, đi mót từng chiếc lá dâu còn sót lại nơi bờ bụi để duy trì nghiệp tổ!” Cuối cùng, trời đất và tổ nghiệp đã không nỡ phụ những nỗ lực phi thường của người phụ nữ thuần hậu. Chính bà Thuận và gia đình bà là người tiếp năng lượng để việc chăn tằm, dệt lụa ở xã Phùng Xá và cả huyện Mỹ Đức hồi sinh trở lại.

Trăn trở với nghề, với việc làm sao để nghề truyền thống có đất “dụng võ” trong tương lai, nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ giữ nghề dệt sợi truyền thống mà còn phát triển nghề lên tầm cao mới với những sản phẩm riêng, ví dụ như tạo ra những tấm lụa từ sợi tơ sen, loài hoa được coi là quốc hoa của Việt Nam.

Từ xưa, huyện Mỹ Đức không chỉ là đất tổ của cây dâu, con tằm mà còn là nơi có nhiều hồ sen diện tích vô cùng lớn.
Từ xưa, huyện Mỹ Đức không chỉ là đất tổ của cây dâu, con tằm mà còn là nơi có nhiều hồ sen diện tích vô cùng lớn.

Cơ duyên cùng tơ sen đến với bà Phan Thị Thuận vào năm 2017, khi đoàn công tác do bà Trần Thị Quốc Khánh, ủy viên Thường trực ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, làm Trưởng đoàn, về thăm xã Phùng Xá. “Sau chuyến thăm đó, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh gợi ý tôi thử nghiệm tơ sen. Tôi ý thức được đây là một đề tài cấp quốc gia, phải làm cho bằng được. Chúng ta không thể nhận tiền dự án của Nhà nước xong rồi bỏ, gây lãng phí tiền của nhân dân”, bà Thuận nhớ lại.

Nghĩ là làm, bà tự bỏ tiền mua một mảnh ruộng để trồng sen thử nghiệm. Bên cạnh đầm sen nhà trồng, bà còn đi khắp nơi trong và ngoài huyện tìm đầm sen đặt hàng làm nguyên liệu. Bà Thuận tâm sự, từ thời xa xưa, huyện Mỹ Đức quê bà không chỉ là đất tổ của cây dâu, con tằm mà còn là nơi có nhiều hồ sen diện tích vô cùng lớn. Nhưng thường thì, mùa thu hoạch, người ta lấy phần hoa còn thân sen coi như đồ bỏ đi, không chỉ lãng phí mà còn gây ô nghiễm môi trường nghiêm trọng.

“Từ khi còn bé, tôi đã nhìn bố mẹ làm rồi cũng bắt chước làm theo, nếu dệt được mét hàng đẹp hay nuôi được con kén đẹp thì vui suốt mấy ngày”. Trong công xưởng rộng khoảng 300m2, người phụ nữ mái tóc ngả màu thời gian vẫn thoăn thoắt đưa thoi dệt vải. Vậy nên, tôi nghĩ, nếu tôi dệt được lụa bằng tơ sen thì không những đáp ứng được yêu cầu của đề tài nghiên cứu, mà những người nông dân trồng sen chắc là mừng lắm”, bà Thuận nói đơn giản.

Dệt tương lai làng nghề từ tinh túy quốc hoa - Ảnh 1
Dệt tương lai làng nghề từ tinh túy quốc hoa - Ảnh 2
 
 

Sau sáu tháng trời ròng rã kiên nhẫn với các thử nghiệm rồi thất bại, cuối cùng một bộ khung dệt chuyên dành cho tơ sen ra đời, do chính vợ chồng bà Thuận sáng tạo nên. “Không ngờ bộ khung dệt cải tiến ấy đã giúp vợ tôi biến giấc mơ tơ sen thành hiện thực sau hơn nửa năm trời mất ăn mất ngủ”, ông Hạ vẫn xúc động khi kể lại.

“Đó là vào tháng 7/2017, một ngày không thể quên với gia đình tôi khi vợ tôi hoàn thiện chiếc khăn quàng cổ đầu tiên bằng chất liệu tơ sen. Không những đẹp mịn màng, mềm mại mà chiếc khăn còn mang một hương thơm cực kỳ đặc trưng của sen!”

TƠ SEN MỎNG MANH NHƯNG KHÔNG DỄ ĐỨT

Để dệt nên một chiếc khăn dài 1,7m, rộng 0,25m, bà Thuận cho biết phải cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc trong xưởng của bà một ngày cũng chỉ lấy tơ được từ 200 - 250 cuống sen. Tính ra, để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng một tháng.

Trước tiên, cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Để lấy được tơ, người nghệ nhân phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Cái khó là làm thế nào cắt chỉ đúng lớp vỏ bên ngoài thôi, vì tất cả sợi tơ nằm ở trong này. Khi vê phải thật đều tay để sợi đều và săn.

 
Trời đất và tổ nghiệp đã không nỡ phụ những nỗ lực phi thường của người phụ nữ thuần hậu. Chính bà Thuận và gia đình bà là người tiếp năng lượng để việc chăn tằm, dệt lụa ở xã Phùng Xá và cả huyện Mỹ Đức hồi sinh trở lại.

Sau khi lấy được tơ phải cho vào máy xe, rồi khẩn trương hong cho khô ngay. Không được để ướt, ướt lâu thì sẽ đứt. Theo bà Thuận, vải dệt bằng sợi tơ sen nhìn hơi giống vải đũi, mặc mát, không những thế lại còn có mùi hương rất dễ chịu. Vải tơ sen hoàn toàn nguyên chất, không pha bất cứ một loại sợi nào như tơ tằm.

Cũng vì giá thành đắt nên hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Năm ngoái, xưởng sản xuất của bà chỉ làm được 12 chiếc khăn lụa tơ sen, người tiêu dùng muốn mua phải đặt trước vài tháng.

Bà Thuận cho biết thêm, mỗi cuống sen sau khi lấy tơ, hiện đang được nghiên cứu để làm thuốc, để cả cây sen không bỏ đi cái gì. “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng… chính là câu thơ để nói về tơ sen, bao nhiêu triết lý cần ngẫm nghĩ trong đó”, người nghệ nhân già vẫn canh cánh nỗi niềm.

“Hiện giờ sản phẩm khăn tơ sen của tôi đã được thị trường trong và ngoài nước biết đến, nhưng nhất định tôi sẽ còn làm được những chiếc áo dài truyền thống bằng tơ sen. Khi ấy may ra tôi mới có thể ăn ngon ngủ kỹ được!”.

Dệt tương lai làng nghề từ tinh túy quốc hoa - Ảnh 3
Dệt tương lai làng nghề từ tinh túy quốc hoa - Ảnh 4
 

Niềm vui với tơ sen như tiếp thêm sức mạnh cho NNƯT Phan Thị Thuận. Trong ngôi nhà kiêm xưởng dệt của bà, lúc nào cũng lách cách tiếng thoi. Hằng ngày, người ta vẫn thấy bà vừa đi từng bàn, vừa chỉ cho từng học viên nhỏ tuổi đang chăm chú bẻ từng cuống sen, rút tơ, xe sợi. Bà Thuận đã trực tiếp truyền dạy nghề cho hàng nghìn lao động địa phương và một số tỉnh lân cận.

Đặc biệt nhất, trong xưởng của công ty luôn có hơn 40 cháu học sinh đến từ các gia đình khó khăn, vừa là đến học việc, học nghề vừa được trả tiền công để có thể phụ giúp gia đình. “Nhiều khách hàng tới đây mua khăn tơ sen, họ thấy người thợ làm thủ công khá vất vả nên hay tặng thêm tiền. Số tiền dư ra đó, tôi dồn vào thành một cái quỹ nho nhỏ để dạy các cháu, về sau có người giữ nghề”, bà Thuận chậm rãi tâm sự.

Gần đây nhất, các sản phẩm từ lụa tơ tằm, tơ sen của bà đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao năm 2020 (sản phẩm cấp quốc gia - hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP). Không dừng lại ở đó, ngay giữa mùa dịch Covid-19, xưởng dệt của bà Thuận đã tạo ra những chiếc khẩu trang phòng dịch từ lụa tơ sen và lụa tơ tằm. Những chất liệu tự nhiên này vừa thân thiện với làn da, không gây kích ứng, lại dịu dàng, thoáng mát. Được nhuộm màu tự nhiên nên khi sử dụng ngay cả làn da nhạy cảm, da dễ bị dị ứng cũng không lo bức bí, nổi mụn.

“Còn phải sáng tạo nhiều lắm chứ chưa dừng ở đây. Tôi đang ấp ủ dự định làm những móc khăn nhỏ vấn đầu từ tơ sen, rồi làm áo choàng từ tơ sen kết hợp tơ tằm, và sẽ có thêm sản phẩm khác nữa để phục vụ nhu cầu hàng ngày”, bà Thuận tâm sự.

Không những đẹp mịn màng, mềm mại mà những chiếc khăn còn mang một hương thơm cực kỳ đặc trưng của sen.
Không những đẹp mịn màng, mềm mại mà những chiếc khăn còn mang một hương thơm cực kỳ đặc trưng của sen.

Sau tất cả, điều khiến bà vui nhất không phải là đã bán được bao nhiêu chiếc khăn tơ sen mà các con bà là đời thứ 4 và đến cháu bà là đời thứ 5, vẫn rất coi trọng nghề truyền thống và muốn phát triển làng nghề.

Bà Thuận cười hồn hậu: “Cả nhà tôi đều làm nghề dệt. Cháu nội tôi năm 2018 đã học để làm ra được mặt nạ dưỡng da dệt bằng tơ tằm, chiếc mặt nạ đó cháu đi thi được giải 4 Quốc gia. Còn cháu gái khác của tôi thì bảo cháu sẽ theo học ngành mỹ thuật, cháu sẽ thiết kế các sản phẩm cho bà...Với tôi, chẳng có niềm vui nào hơn thế”.

Nghề truyền thống sẽ còn được tiếp nối, như những sợi tơ không dễ đứt, như những tấm lụa từng sợi, từng sợi góp lại, sẽ dệt nên tương lai làng nghề bền chắc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate