December 06, 2010 | 09:33 GMT+7

Di dời đại học ra ngoại ô: Tìm đâu ra đất “sạch”?

Dũng Hiếu

Chủ trương đưa các trường đại học ra ngoại ô thành phố của Chính phủ tuy đã có từ lâu, nhưng hầu như vẫn còn nằm trên giấy

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chủ trương di dời các trường ra ngoại thành là vấn đề sống còn của ngành giáo dục.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chủ trương di dời các trường ra ngoại thành là vấn đề sống còn của ngành giáo dục.
Chủ trương đưa các trường đại học ra ngoại ô thành phố của Chính phủ tuy đã có từ lâu, nhưng hầu như vẫn còn nằm trên giấy, bởi lý do quan trọng nhất là do chưa có cơ chế phù hợp để bố trí đất cho giáo dục đại học.

Dự kiến đến giữa tháng 12/2010, ngành giáo dục sẽ tổ chức hội nghị quốc gia về quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học cao đẳng thuộc vùng Hà Nội và Tp.HCM. Cần nhớ rằng chủ trương di dời các trường ra ngoại thành đã có từ năm 2007 theo Quyết định số 121/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng trong thực tế việc thực hiện không dễ dàng, bởi lý do quan trọng nhất là thiếu cả đất và thiếu cả tiền.

Chủ trương quy hoạch các đô thị đại học tập trung được xem là một tư tưởng tiến bộ, nhưng mới đây khi bàn đến vấn đề này, đại diện các trường đại học ở Hà Nội, Tp.HCM vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tại khu vực Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho biết ông đã nhiều lần đi tìm đất xây dựng trường, nhưng cuối cùng cũng chỉ được hai lần phê ý kiến lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội trên giấy, chứ đất không thấy đâu. Vì vậy, ông đề nghị việc quan trọng nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức một đoàn khảo sát tổng thể xem các trường đại học, cao đẳng để biết nhu cầu và tương lai phát triển của từng trường như thế nào, chứ bây giờ cứ bàn ngay về vấn đề di dời, chia đất, phân lô là quá sớm.

Bởi trên thực tế, nhiều trường đại học sinh ra rồi chết yểu vì không tuyển sinh được, nhưng cơ sở vật chất thì nhiều trường mơ cũng không được. Mặt khác cũng cần phải có một đề án quốc gia về vấn đề này chứ không thể để các trường tự chạy chọt để xin đất...

Còn ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng phát triển thêm các khu đô thị đại học lúc này là rất cần thiết nhưng vẫn lo ngại vì không được các cấp chính quyền quan tâm. Thậm chí khu Tây Nam trường cũng đã được tham gia ngay từ đầu từ chuẩn bị dự án, đo và chuẩn bị bồi thường nhưng cuối cùng chỉ bàn xong rồi để đó. Vì vậy, điều quan trọng nhất là sự ủng hộ của thành phố Hà Nội, tức là chỉ ra đất “sạch” để các trường đăng ký. Kinh phí xây dựng hạ tầng có thể các trường phải chịu chứ để trường đi xin thủ tục từ dưới lên trên thì sẽ rất lâu và không hiệu quả.

Trước đó, theo phương án của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa trình UBND thành phố cuối tháng 10/2010 vừa qua, thì sẽ có 12 trường đại học, cao đẳng được chuyển ra ngoại thành và được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (đào tạo khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo là Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (đào tạo ngành văn hóa xã hội, sư phạm, du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (chủ yếu cho Đại học Quốc gia Hà Nội, đào tạo ngành khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật, y dược và các nghiên cứu chuyên sâu).

Tại Tp.HCM vừa qua, cũng đã có một hội nghị với sự tham gia của 69 trường đại học-cao đẳng trên địa bàn thành phố thảo luận tìm phương án tối ưu thực hiện chủ trương này. Các trường cũng đều nhận thấy tình trạng bàn rồi để đó.

TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp.HCM chia sẻ, bà đã tham gia rất nhiều cuộc họp, thậm chí có cả phó thủ tướng và chủ tịch UBND thành phố tham dự, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức... bàn. Năm 2007, thành phố đã chấp thuận chủ trương và giao 40 ha đất cho trường tại phường Long Phước (quận 9, Tp.HCM), nhưng đến nay, qua nhiều giai đoạn thỏa thuận quy hoạch 1/2.000 vẫn chưa xong. Hơn nữa, kinh phí để đền bù, giải tỏa và xây dựng cơ sở mới rất lớn, trường không biết lấy tiền đâu ra. Và bà Quỳ cũng lo lắng tới một hình ảnh thành phố mà lại không có bóng dáng một trường đại học nào!

Trong khi đó, Đại học Ngân hàng Tp.HCM khi thực hiện thủ tục giải ngân để xây dựng cơ sở mới tại Thủ Đức cũng hết sức gian khổ, mất nhiều thời gian. Ngay ký túc xá của trường, kinh phí xây dựng phải chờ hết năm này đến năm khác và sinh viên phàn nàn, trường chỉ biết hứa sang năm sang năm rồi lại sang năm. Bàn về kinh phí mà Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM dự kiến cho các trường vay 300 tỷ đồng để di dời, nhiều ý kiến cho rằng là khó khả thi đối với các trường đại học công lập. Chưa nói đến thủ tục, riêng chuyện trường phải giải phóng mặt bằng đã rất khó rồi...

Dù chưa có giải pháp thỏa đáng nhưng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga xác định: chủ trương di dời các trường ra ngoại thành là vấn đề sống còn của ngành giáo dục và cho sự phát triển của các trường đại học, nhất là các trường có cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn. Bộ đang lắng nghe đề xuất cùng những giải pháp “phi truyền thống”, đột phá và sáng kiến để tham mưu cho Chính phủ giải quyết vấn đề này.

Dự kiến, khoảng giữa tháng 12, sẽ có một hội nghị quốc gia bàn vấn đề di dời, đồng thời sẽ hoàn chỉnh quy hoạch và phê duyệt quy hoạch vào tháng 2/2011. Căn cứ vào quy hoạch xây dựng các trường đại học,cao đẳng trong cả nước để lập kế hoạch giao và sử dụng đất cho giáo dục đại học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ lộ trình di dời của các trường.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate