Bộ Tài chính cho biết, tổng số dịch vụ công trực tuyến thực tế triển khai hiện nay là 868.
Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 10,48%; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 29,84%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 7,14% và số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 52,54%.
Như vậy, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm tỷ lệ 59,68%.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.
Đến nay, Bộ Tài chính hoàn thành kết nối, tích hợp 355/518 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,53%, vượt hơn 30% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ.
Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, lĩnh vực quản lý nhà nước trực tiếp ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, do đó, Bộ Tài chính luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.
Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đến nay, các thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đều được cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính.
Vì vậy, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá cao.
Đồng thời, người dân và doanh nghiệp khi gặp những vướng mắc trong thực hiện các chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính vào chuyên mục hỏi đáp chính sách tài chính đặt câu hỏi và gửi đến Bộ Tài chính để được giải đáp.
Bên cạnh thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính còn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành toàn ngành.
Bộ Tài chính triển khai hệ thống thông tin báo cáo kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ từ năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống thông tin báo cáo hoàn thành xây dựng 93 chế độ báo cáo định kỳ do Bộ Tài chính phải thực hiện, hoàn thành cung cấp 15 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Bộ Tài chính cũng triển khai thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử thông qua chương trình quản lý văn bản và điều hành giữa cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, giữa Bộ Tài chính với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương thông qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Sau 05 năm khai thác sử dụng, số lượng văn bản điện tử được lưu trữ, quản lý trên chương trình quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính khoảng gần 2 triệu văn bản.
Đến nay, hệ thống phục vụ rất tốt cho công tác điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như cung cấp dữ liệu đầy đủ lên hệ thống thông tin của Chính phủ, cung cấp thông tin kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Trong tiến trình chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, mục tiêu đặt ra đến năm 2024 sẽ tập trung thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đạt 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Định hướng đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước...