April 29, 2021 | 17:42 GMT+7

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Nhìn từ nộp, tra cứu hồ sơ bằng khuôn mặt

Hồng Vinh -

Với cách làm mới, phương pháp tiếp cận mới, mục tiêu đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi...

Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ hai, từ trái sang) cùng các đại biểu trải nghiệm hệ thống định danh khách hàng điện tử tại UBND Quận 1.
Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ hai, từ trái sang) cùng các đại biểu trải nghiệm hệ thống định danh khách hàng điện tử tại UBND Quận 1.

Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở thông tin và truyền thông trên toàn quốc.

QUYẾT TÂM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, với cách làm mới, phương pháp tiếp cận mới, mục tiêu đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi.

Ông Dũng chỉ đạo các sở thông tin và truyền thông khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố triển khai ngay các nội dung tại văn bản 1145 ngày 19/4/2021 của Bộ hướng dẫn; đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm 2021.

 

Các tỉnh thành phố như Tây Ninh, Nam Định, Đà Nẵng là một trong những tỉnh có tỉ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cao: Tây Ninh (96,86% với 1.818 dịch vụ công mức 4); Nam Định (79,61% với 1.382 dịch vụ công mức 4), Đà Nẵng (68,12% với 1.237 dịch vụ công mức 4).

“Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ. Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.”, ông Dũng nói.

Thứ trưởng giao các sở thông tin và truyền thông xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo từng tháng; Danh sách các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 và danh sách các dịch vụ công không đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4; Hiệu quả tại một số địa phương thời gian qua; Định kỳ hàng tháng gửi báo cáo triển khi cung cấp dựng vụ công trực tuyến về Bộ Thông tin và Truyền thông qua Hệ thống đánh giá mức độ chuyển đổi số tại địa chỉ: https://dti.gov.vn

Đồng thời, hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống EMC) do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng khi kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, sẽ theo dõi thực tế triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Tin học hóa là cơ quan đầu mối tổ chức, phối hợp, hướng dẫn thực hiện đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo Cục Tin học hóa, các tỉnh thành phố như Tây Ninh, Nam Định, Đà Nẵng là một trong những tỉnh có tỉ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cao: Tây Ninh (96,86% với 1.818 dịch vụ công mức 4); Nam Định (79,61% với 1.382 dịch vụ công mức 4), Đà Nẵng (68,12% với 1.237 dịch vụ công mức 4).

Kinh nghiệm triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của một số tỉnh thành cho thấy, yếu tố quan trọng số một là sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp. Sự quyết tâm của người đứng đầu là động lực thúc đẩy bộ máy bên dưới thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra.

Yếu tố thứ hai liên quan đến công nghệ, đó là sự sẵn sàng của các nền tảng như: Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử, Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu LGSP…. Tiếp theo là sự chuẩn hóa của các thủ tục hành chính; sự phối hợp của tỉnh -Bộ - doanh nghiệp.

Cuối cùng, sau triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, cần triển khai mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

NỘP/TRA CỨU HỒ SƠ BẰNG KHUÔN MẶT

Đầu tháng 4, UBND Quận 1 Tp.HCM đã triển khai “Dịch vụ định danh khách hàng điện tử” giúp người dân, doanh nghiệp đăng kí thủ tục hành chính và tra cứu hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM, cho biết: Dịch vụ định danh khách hàng điện tử tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện ký tự quang học, công nghệ đối sánh, tìm kiếm khuôn mặt và công nghệ chống giả mạo vào các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng kí thủ tục hành chính không giấy tại Quận 1.

Thực tế hiện nay khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến, người dân sẽ phải chụp hình chứng minh nhân dân hoặc dịch vụ công trực tuyến để đưa vào mẫu đăng ký hồ sơ đã được tạo trong dịch vụ công. Với công nghệ tự động nhận diện các kí tự trên chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hệ thống sẽ tự động điền thông tin vào biểu mẫu đăng kí thủ tục trên dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, khi người dân sử dụng dịch vụ này một lần thì hệ thống sẽ lưu giữ các thông tin mà người dân đã đăng kí. Sau này, để tra cứu lại các thông tin đã đăng kí thì người dân chỉ cần dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt, truy xuất lại các quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Những lần làm thủ tục về sau người dân cũng không cần chụp lại chứng minh nhân dân/căn cước công dân mà hệ thống tự nhận diện khuôn mặt và tự điền thông tin đã tự lưu trữ trên hệ thống.

 

Giải pháp kỹ thuật đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

- Triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử trên cùng một nền tảng đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành (Thông tư 18/2019/TT-BTTTT và Thông tư 22/2019/TT-BTTTT)

- Triển khai theo mô hình cung cấp dịch vụ phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây SaaS (Software-as-a-Service) đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành.

- Kết nối cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và chứng minh nhân dân/căn cước công dân (Hệ thống EMC) do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

- Kết nối LGSP của tỉnh với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp DVCTT cho người dân và doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate