Quyết định của Didi được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi công ty này thực hiện thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) khủng tại Mỹ hồi cuối tháng 6, huy động được hơn 4 tỷ USD và đưa định giá công ty lên hơn 73 tỷ USD. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu công ty này đã giảm 44% và đóng cửa phiên giao dịch 2/12 với mức giá 7,8 USD/cổ phiếu.
Thông tin này khiến các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trên sàn chứng khoán Hồng Kông đồng loạt lao dốc. Chỉ số Công nghệ Hang Seng - theo dõi hầu hết các ông lớn công nghệ lớn của Trung Quốc giao dịch tại Hồng Kông, đã giảm tới 2,7%, hướng tới mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu hoạt động vào tháng 7 năm ngoái. Các công ty nằm trong chỉ số này chứng kiến vốn hóa sụt khoảng 1.500 tỷ USD so với mức đỉnh hồi tháng 2.
Theo CNBC, tuần trước, giá cổ phiếu Didi lao dốc mạnh sau khi truyền thông đồng loạt đưa tin về việc các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu lãnh đạo của công ty này lên kế hoạch hủy niêm yêt tại Mỹ do lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.
Theo FactSet, việc hủy niêm yết của Didi gây rủi ro lớn cho khối cổ phần khổng lồ này tập đoàn SoftBank của Nhật và công ty gọi xe Uber của Mỹ đang nắm giữ tại công ty này. Giá cổ phiếu SoftBank tại Nhật sụt hơn 2,5% đầu phiên giao dịch ngày 3/12.
Trước đó, Didi đã khiến các nhà quản lý của Trung Quốc “nóng mặt” khi vẫn tiếp tục niêm yết cổ phiếu tại Mỹ bất chấp yêu cầu từ nhà chức trách về việc đảm bảo an toàn dữ liệu trước IPO. Ngay sau IPO khủng của công ty này, giới chức Trung Quốc đã nhanh đóng khởi động hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào công ty này và cân nhắc đưa ra những khoản phạt chưa có tiền lệ. Và việc hủy niêm yết có thể là một trong các hình phạt dành cho hãng công nghệ này.
Hồi tháng 7, Bloomberg cho biết chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đề xuất đầu tư vào Didi để kiểm soát hiệu quả công ty này. Một khoản đầu tư công như vậy có thể giúp Didi có nguồn tiền để mua lại cổ phiếu đang giao dịch tại Mỹ. Didi hiện là ứng dụng gọi xe lớn nhất tại Mỹ và nắm giữ lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng và hành trình đi lại của họ.
“Tôi cho rằng Bắc Kinh đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng họ không còn muốn các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ nữa, bởi việc này đặt họ dưới sự quản lý của các nhà chức trách Mỹ”, ông Aaron Costello, người đứng đầu phục trách khu vực châu Á tại Cambridge Associates, nhận định ngày 3/12 ngay sau khi thông tin được công bố. “Quan điểm của chúng tôi là hầu hết các hãng công nghệ Trung Quốc tại Mỹ có thể phải niêm yết lại ở Hồng Kông hoặc ở Trung Quốc đại lục”.
Trong năm qua, Chính phủ Trung Quốc có hàng loạt động thái siết quản lý đối với các hãng công nghệ khổng lồ. Cuối năm ngoái, IPO của Ant Group – công ty công nghệ tài chính của tập đoàn Alibaba, đã bị đình chỉ ngay trước thềm lên sàn. Bắc Kinh sau đó đưa ra hàng loạt các quy định mới từ siết chặt luật chống độc quyền trên các nền tảng internet cho tới luật bảo vệ dữ liệu. Cả Alibaba, công ty giao đồ ăn Meituan cùng nhiều hãng công nghệ khác đều phải lĩnh án phạt.
Thông báo của Didi được đưa ra chưa đầy 24h sau khi Ủy ban Chúng khoán Mỹ (SEC) thống nhất các quy định cho phép cơ quan này hủy niêm yết cổ phiếu của các công ty nước ngoài không tuân thủ các thông lệ về kế toán tại Mỹ. Quy định này cho phép SEC thực thi luật Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài (Holding Foreign Companies Accountable Act - HFCA). Đạo luật này được thông qua vào năm 2020 sau khi các nhà chức trách Trung Quốc liên tục từ chối yêu cầu của Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ - được thành lập vào năm 2002 để giám sát công tác kiểm toán của các công ty đại chúng tại Mỹ.
Ông Costello của Cambridge Associates dự báo tất cả các công ty công nghệ đang niêm yết tại Mỹ sẽ chuyển về niêm yết chính tại sàn chứng khoán Hồng Kông.
“Đây thực sự là một phần trong kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc. Họ không còn thoải mái với việc Mỹ có quyền tài phán với các hãng công nghệ Trung Quốc khi đưa ra các quy định cũng như các vấn đền về an ninh dữ liệu”, chuyên gia của Cambridge Associates nhận định.