Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày. Hội đồng xét xử gồm 3 người, do thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.
Ngoài ông Hai, còn có 11 bị can khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Thuận phải hầu tòa vì liên quan đến việc giúp Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi số tiền hơn 45 tỷ đồng trái quy định.
Các bị cáo bị truy tố với tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Hai với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương bán đấu giá 3 lô đất, tổng diện tích hơn 9 ha thuộc quỹ đất 2 bên đường ĐT.706B phường Phú Hài, TP Phan Thiết với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.
Đầu năm 2016, giá đất ở Bình Thuận trong đó có 3 lô đất trên liên tục biến động tăng. Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, năm 2017, 3 lô đất này được giao cho Công ty Tân Việt Phát song vẫn áp dụng giá được phê duyệt từ năm 2013.
Cáo trạng xác định, ông Hai biết rõ quy định pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất song vẫn ban hành chủ trương giao 3 lô đất với giá từ năm 2013. Sai phạm này gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Các bị can đều biết quy định pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng vẫn thống nhất đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao 3 lô đất trên cho Công ty Tân Việt Phát nhưng không xác định giá đất cụ thể tại thời điểm giao đất.
Cáo trạng cho rằng, trong vụ án, ông Hai là người có trách nhiệm vai trò chính. Những người còn lại cùng tội danh có vai trò đồng phạm.
Với ông Nguyễn Văn Phong, thời điểm phạm tội là Giám đốc Sở Tài chính, có vai trò là người đứng đầu sở, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của sở, trong đó có quản lý tài chính về đất đai và xác định giá đất cụ thể.
Song ông Phong đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát, đối chiếu lại các quy định của Luật đất đai, Luật giá về việc xác định giá đất cụ thể.
Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận không có biện pháp thu hồi kịp thời, để cho các sở ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện việc giao đất, thuê đất gây thiệt hại ngân sách cho Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.
Với hành vi này, ông Phong bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Quá trình điều tra, ông Hai thừa nhận sai phạm trong việc không xác định giá đất tại thời điểm giao đất. Ông Hai khai nhận động cơ, mục đích của việc làm vi phạm là để tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Bản thân ông không được hưởng lợi. Các bị can còn lại cũng thừa nhận không có động cơ vụ lợi cho cá nhân.
Hiện, ông Hai đã khắc phục 300 triệu đồng. Một số bị can khác cũng khắc phục từ 100 - 300 triệu đồng.
Theo Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của các bị can dẫn đến việc Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi số tiền chênh lệch là hơn 45,3 tỷ đồng. Công ty được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật làm cho nhà nước bị thiệt hại số tiền trên.
Vì vậy, cơ quan tố tụng xác định công ty là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền hưởng lợi bất hợp pháp theo quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cáo trạng xác định, hành vi phạm tội của các bị can đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, nên cần phải xét xử nghiêm minh nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên cũng cần có sự phân hóa nhằm trừng trị nghiêm khắc đối với những bị can có vai trò chính và có chính sách khoan hồng đối với những bị can có vai trò đồng phạm, thành khẩn khai báo, tích cực khắc phục hậu quả, thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên cần được xem xét trong quá trình xét xử vụ án.