February 17, 2022 | 08:29 GMT+7

Diễn biến phân hoá trên thị trường vẫn đang mạnh

Hà Anh -

Chỉ số VN-Index cần phải vượt qua kháng cự 1.512 với khối lượng giao dịch tăng lên để củng cố cho khả năng sẽ đi lên vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm.

Theo SHS, phiên giao dịch tiếp theo 17/2 sẽ là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2022 nên những diễn biến của thị trường thường rất khó biến và có thể sẽ có biến động mạnh về một chiều vào khoảng thời gian cuối phiên, nhất là trong phiên ATC.
Theo SHS, phiên giao dịch tiếp theo 17/2 sẽ là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2022 nên những diễn biến của thị trường thường rất khó biến và có thể sẽ có biến động mạnh về một chiều vào khoảng thời gian cuối phiên, nhất là trong phiên ATC.

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 17/2/2022.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, chỉ số Vn-Index giảm 0,65 điểm – tương đương 0,04%, xuống 1.492,10 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 5,28 điểm – tương đương 1,25%, đóng cửa ở mức 429,12 điểm.

Nhà đầu tư nên kiểm soát chặt tỷ trọng danh mục

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên kiểm soát chặt tỷ trọng danh mục trong giai đoạn này. Linh hoạt thực hiện các hoạt động trading khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự và hỗ trợ. Đồng thời, sử dụng trailing stoploss cho các vị thế đang có sẵn để hạn chế rủi ro cho danh mục khi thị trường có những biến động bất ngờ theo chiều hướng không tích cực. Tập trung vào các ngành: bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, hàng không, du lịch và giải trí, ngân hàng, tài nguyên cơ bản, dầu khí, thủy sản, dệt may”.

Xu hướng hiện tại vẫn đang ủng hộ nhịp tích lũy trong vùng 1480-1490

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)

"Ngưỡng 1500 có vẻ vẫn là một trở ngại tâm lí lớn đối với đa số nhà đầu tư. Mở cửa với cú nhảy vọt tham vọng, nhưng VNIndex đã ngã ngựa ngay khi chỉ còn cách mục tiêu 0.5 điểm. Sau đó, chỉ số bị lực bán kéo lê xuống, từng bước từng bước xa dần 1500. Sau khi mất khoảng chừng là 13 điểm, chỉ số vùng lên một lần cuối và đóng cửa tại mốc 1492 điểm, giảm 0.65 điểm so với ngày hôm qua.

Trong khi nhóm cổ phiếu Bất động sản, xây dựng đã có một phiên giao dịch tích cực thì nhóm Ngân hàng lại có diễn biến không mấy khả quan, cộng thêm một số mã bluechip đồng loạt giảm đã cản trở đà tăng của chỉ số. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/19 ngành tăng điểm. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Xu hướng hiện tại vẫn đang ủng hộ nhịp tích lũy trong vùng 1480-1490".

Dòng tiền vẫn chưa thực sự quay trở lại thị trường

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

"Thị trường thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.500 điểm ngay từ đầu phiên và đi ngang kèm với giằng co nhẹ quanh ngưỡng tham chiếu trong suốt thời gian còn lại. Đây là diễn biến tương đối khó chịu đối với các nhà đầu tư nên thanh khoản trong phiên hôm nay tiếp tục dưới mức trung bình thể hiện việc dòng tiền vẫn chưa thực sự quay trở lại thị trường.

Chỉ số VN-Index tiếp tục bị kẹp giữa hai ngưỡng hỗ trợ 1.480 điểm (MA20-50) và kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Phiên giao dịch tiếp theo 17/2 sẽ là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2022 nên những diễn biến của thị trường thường rất khó biến và có thể sẽ có biến động mạnh về một chiều vào khoảng thời gian cuối phiên, nhất là trong phiên ATC.

Nhà đầu tư cần biết điều này để tránh những bất ngờ không cần thiết. Về chiến lược giao dịch vẫn không có gì thay đổi: đối với các nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 như bản tin khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường".

Diễn biến phân hoá trên thị trường vẫn đang mạnh

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)

"VN-Index và VN30 đều bị cản và đang ở trạng thái thăm dò. Tuy nhiên, dòng tiền có chút gia tăng ở mức độ quan tâm tại VN-Index nhưng kém quan tâm đến VN30-Index.

Cho thấy diễn biến phân hoá trên thị trường vẫn đang mạnh. Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục quá trình thăm dò trong thời gian tới. Do vậy, quý nhà đầu tư vẫn ên chậm lại và quan sát thị trường, tạm thời nên tập trung mức độ quan tấm đến các cổ phiếu có tín hiện tốt sau nền tích luỹ tích cực".

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy

(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)

“Chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể quay trở lại đà tăng và kiểm định vùng kháng cự 1,495 – 1,510 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực trong 1-2 phiên giao dịch tới cho nên dòng tiền sẽ có xu hướng gia tăng vào nhóm cổ phiếu này và chưa có dấu hiệu thoát khỏi thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn đi ngang cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và cơ hội giải ngân gia tăng.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 45-50% danh mục và có thể chú ý vào xu hướng của từng cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội giải ngân ngắn hạn”.

VN-Index cần vượt qua kháng cự 1.512

(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI –SSI)

“Thị trường gần như đi ngang với mức giảm 0,04% của chỉ số VNIndex khi đóng cửa. khối lượng giao dịch chung đi lên nhẹ 8%, nhưng chủ yếu do sự gia tăng mạnh ở nhóm trung bình thấp trong khi sụt giảm 33% trên nhóm VN30 cho thấy động lực hồi phục đang suy yếu.

Chỉ số VN-Index cần phải vượt qua kháng cự 1.512 với khối lượng giao dịch tăng lên để củng cố cho khả năng sẽ đi lên vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số VNIndex phá hỗ trợ 1.470 điểm trước thì rủi ro điều chỉnh giảm trở lại vùng 1.425 – 1.400 điểm trên chỉ số vẫn còn”.

Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, bám chặt chiến lược dài hạn

(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)

“Thị trường trong nước giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch hôm nay xung quanh mốc tham chiếu với thanh khoản ở mức thấp nhưng độ rộng thị trường vẫn rất tích cực khi nhóm cổ phiếu midcap và smallcap tiếp tục đi lên. Điểm sáng trong phiên hôm nay thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán, trong khi nhóm cổ phiếu dầu khi và ngân hàng quay đầu giảm.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HSX chỉ tương đương với phiên hôm qua, đạt 17.728 tỷ đồng. Kể từ đầu tuần, thanh khoản đang trong xu hướng giảm, từ mức 23.828 tỷ đồng về mức bình quân 17.700 tỷ đồng. Thanh khoản bình quân kể từ đầu này cũng đang thấp hơn so với mức bình quân của tuần trước đó.

Chỉ số VN-Index đã giảm ¾ phiên gần đây, với diễn biến thanh khoản ở mức thấp sẽ không có lợi cho thị trường chung khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn đang trong nhịp điều chỉnh. Bên cạnh đó, phiên giảm nhẹ của thị trường hôm nay cũng cho thấy phiên tăng hôm qua chỉ là nhịp phục hồi kỹ thuật. Vì vậy, nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, bám chặt chiến lược dài hạn để tránh tác động nhiễu từ những nhịp biến động lớn”.

Cơ hội phục hồi và hướng tới vùng 152x của VN-Index vẫn được đánh giá cao

(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)

“Sau nhịp mở gap tăng điểm đầu phiên, VN-Index dần suy yếu và diễn biến giằng co trong biên độ hẹp đến cuối phiên. Áp lực bán cân tỷ trọng quanh vùng cản gần 1500 sau một nhịp hồi dốc tiếp tục gây cản trở đà hồi phục của chỉ số.

Mặc dù vậy, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục và hướng tới vùng cản kế tiếp tại quanh 152x của VN-Index vẫn được đánh giá cao chừng nào vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại quanh 145x tiếp tục được giữ vững. Sau khi mua lại 1 phần vị thế trading, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục quay vòng chốt lời ngắn từng phần tại các vùng cản kế tiếp của các mã mục tiêu”.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate