October 04, 2021 | 15:13 GMT+7

Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021: “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững”

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021 với chủ đề  “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” sẽ được tổ chức vào 9 giờ ngày 7/10, theo hình thức kết hợp trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy, FanPage VBCWE...

Những tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19 đã và đang khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đau đầu giải bài toán đảm bảo an toàn nguồn lực lao động. Bởi khi lực lượng lao động được củng cố dựa trên giá trị văn hóa và chính sách nhân sự ưu việt sẽ trở thành nguồn lực vô giá, tạo nền tảng vững chắc và giá trị cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, ước tính cả nước có trên 15 triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… do tác động của đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng 21 tỉnh, thành phố phía Nam, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, có gần 20% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động, số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người.

Theo kết quả khảo sát gần đây nhất của Ban nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân, trong số 14.890 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, có 24% chọn biện pháp cắt giảm lao động từ 75% đến dưới 100% và 23% doanh nghiệp thực hiện biện pháp cho lao đông nghỉ tạm thời không hưởng lương.

Phong tỏa, giãn cách kéo dài đã làm tê liệt hoạt động của doanh nghiệp, bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập và tới tâm lý của người lao động. Chỉ tính riêng từ khía cạnh nguồn nhân lực, doanh nghiệp phải chịu sức ép rất lớn cả trong bối cảnh dư thừa lao động khi phải dừng hoạt động sản xuất để phòng tránh dịch, đến áp lực thiếu hụt lao động trầm trọng khi tái phục hồi hoạt động sản xuất kinh trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khả năng đáp ứng đúng tiến độ giao hàng như cam kết trong hợp đồng sẽ rất khó nếu trong thời gian ngắn, doanh nghiệp không thể tuyển dụng đủ số lao động cần thiết.

Thực tế cho thấy, việc đón nguồn lao động chất lượng trở lại các nhà máy, công xưởng hiện nay và thậm chí thời gian tới sẽ còn khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt tại những nơi được xem là “thảm cảnh” của Covid-19. Yếu tố “an toàn” trở thành tiêu chí quan trọng với người lao động khi họ quyết định trở lại hay thay đổi môi trường, địa điểm và tính chất công việc.

Theo đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho nguồn lực lao động tại nơi làm việc cũng như các chính sách an sinh lâu dài đối với người lao động trở thành vấn đề thực tiễn có tính cấp bách hiện nay. Điều này đặt ra những vấn đề cần thiết phải nhìn nhận và đánh giá thực trạng hoạt động đảm bảo an toàn cho người lao động tại doanh nghiệp đã và đang được thực thi như thế nào? Doanh nghiệp đã đầu tư cho việc xây dựng và duy trì các chính sách bảo vệ người lao động ra sao? Những yếu tố bình đẳng, linh hoạt, đa dạng, bao trùm và nhân văn đã được kiến tạo và thúc đẩy chưa?...

Với giá trị và ý nghĩa đó, Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD) và Mạng lưới Doanh nghiệp Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021 với chủ đề “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững”.

Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021: “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” - Ảnh 1

Mục tiêu của Diễn đàn không chỉ giúp các doanh nghiệp nhìn nhận đúng hơn vai trò của việc đảm bảo an toàn nguồn lực lao động đối với tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như vượt qua thách thức và biến động khó lường; Hỗ trợ các doanh nghiệp kiến tạo và thúc đẩy các chính sách, giải pháp củng cố sức mạnh nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện, tính chất và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; mà còn thêm nguồn thông tin thực tiễn giá trị đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nhằm xây dựng và điều chỉnh các chính sách hiện hành phù hợp và phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới.

Diễn đàn được cấu trúc thành 2 phiên chính: phiên tham luận và thảo luận với sự tham gia của các diễn giả đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI:

1. Bà Carly Main, Quyền tham tán, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam;

2. Ông Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy;

3. Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); 

4. Bà Kelly Wyett, chuyên gia kinh tế cao cấp, Abt Associates, Australia;

5. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Chủ tịch VBCWE, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD);

6. Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam – Myanmar – Campuchia – Lào, Thành viên Hội đồng quản trị VBCWE, Phó chủ tịch VBCSD;

7. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ, thành viên Hội đồng quản trị Mạng lưới Doanh nghiệp Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE), Phó chủ tịch VBCSD;

8. Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Thành viên HĐQT Tập đoàn Alphanam, thành viên Hội đồng quản trị VBCWE;

9. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom;

10. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng Ban tổ chức & Nhân sự, EVNGENCO3;

Diễn đàn sẽ diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Webinar và Livestreaming trên VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy, FanPage VBCWE vào 9h00, ngày 7/10/2021.

Tham dự Diễn đàn miễn phí tại đường link: //bit.ly/2Y7Anp5

Toàn bộ nội dung về Diễn đàn sẽ được cập nhật trên chuyên mục Tiêu điểm VnEconomy và Tạp chí Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 66 phát hành ngày 11/10.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate