Thông tin trên truyền thông Nhật Bản về việc Thủ tướng Hatoyama Yukio gửi thư riêng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản giành được hợp đồng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, đã được Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Misuo xác nhận trong cuộc họp báo chiều 3/3 tại Hà Nội.
Ông Sakaba đã từ chối tiết lộ nội dung lá thư, trước thời điểm nó được chuyển đến tận tay người nhận. Tuy nhiên, một nguồn tin được nhật báo Yomiuri trích dẫn, cho hay Thủ tướng Hatoyama đã đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm cho mở các cuộc đàm phán song phương bàn về việc chuyển giao công nghệ điện hạt nhân, để doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản có cơ hội tham gia.
Cuối tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, mỗi cái có công suất 2.000 MW, tại Ninh Thuận. Trong cuộc hội thảo về điện hạt nhân tổ chức tại Hà Nội trước đó hơn hai tháng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) Tạ Văn Hường cho biết có đến 90% Nhật Bản được lựa chọn bởi sự phù hợp về công nghệ (loại lò nước nhẹ cải tiến) với phương án bộ này trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội thông qua. Đó là chưa kể tới những ưu thế về an toàn, và nhất là khả năng tài chính (thông qua viện trợ ODA) – những ưu tiên lựa chọn của Chính phủ Việt Nam.
Thế nhưng, qua “bức thư tay” chuyển cho người đồng cấp Việt Nam, người ta nhận thấy ông Hatoyama chưa an tâm. Báo Yomiuri đã đưa ra hai lý do.
Thứ nhất, dường như quyền tham gia xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đã được bất ngờ trao vào tay người Nga, chỉ ba tuần sau quyết định của Quốc hội Việt Nam, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm cường quốc này. Đổi lại cho việc người Nga chấp thuận những điều kiện thanh toán ưu đãi cho phía Việt Nam, như giá cả, trả chậm và trả bằng hàng, cho hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ, có thông tin nói lên tới 8,3 tỉ USD. Nhật Bản buộc phải cạnh tranh với các quốc gia khác như Pháp, quốc gia cũng đang có một kế hoạch hợp tác quốc phòng với Việt Nam, và có thể cả Hàn Quốc, để giành quyền xây dựng nhà máy còn lại.
Thứ hai, năm ngoái một tổ hợp doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đã chịu thất bại trước một tổ hợp đến từ chính quốc gia “hậu sinh khả uý” Hàn Quốc tại một cuộc đấu thầu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Đích thân Tổng thống Lee Myung-bak đã đứng ra vận động cho tổ hợp này giành được hợp đồng.
“Thủ tướng Hatoyama biết rằng có một số nước quan tâm đến các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, và cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Ý thức về việc này, Thủ tướng Nhật Bản, về phần mình, đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ của ông đối với việc tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản”, đại sứ Sakaba nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ Nhật Bản đã và đang hợp tác với phía Việt Nam từ hơn mười năm qua trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và hình thành khung pháp lý cho việc sản xuất điện hạt nhân ở Việt Nam, và không vì bất cứ lẽ gì mà dừng lại ở đó.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2010, trong cuộc hội đàm với Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, Ngoại trưởng Nhật Bản Okada Katsuya đã hối thúc phía Việt Nam "nhanh chóng tham gia vào các hiệp ước quốc tế liên quan đến chống phổ biến hạt nhân, an toàn và an ninh hạt nhân, vì lợi ích của việc hoàn tất một hiệp định hợp tác hạt nhân song phương". Được biết, đó chính là điều kiện để việc chuyển giao công nghệ sản xuất điện hạt nhân của Nhật Bản cho Việt Nam được Mỹ bật đèn xanh.
Về phần mình, trong quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam mong muốn nhận được cam kết, từ phía Nhật Bản, tiếp tục cung cấp ODA cho việc phát triển hạ tầng, nhất là với những dự án trọng điểm đòi hỏi những khoản vốn khổng lồ như đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc – Nam, hay khu công nghệ cao Hoà Lạc. Vì vậy, tuy nhà ngoại giao Nhật Bản này phủ nhận rằng bức thư tay này chuyển tải một sức ép nào đó, cho dù có tích cực, từ phía Nhật Bản, nhưng sự trùng lặp về thời gian của các sự kiện đáng để người ta suy ngẫm.
Ngày 27/2, tại Kochi, Thủ tướng Nhật tiết lộ với báo giới về lá thư tay gửi Thủ tướng Việt Nam. Hai ngày sau, tại Hà Nội, diễn ra lễ ký công hàm trao đổi về việc Nhật Bản cấp cho Việt Nam gần 26 tỉ Yên vốn vay, nâng tổng số cam kết ODA của Nhật Bản trong năm tài khoá 2009 lên 1,67 tỉ USD. Và, sau đó một ngày, cũng tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tổ chức họp báo về kế hoạch ODA của Nhật dành cho Việt Nam.
“Hiện nay, tôi chưa thể nói gì về kế hoạch ODA dành cho Việt Nam trong năm 2010, bởi năm tài khoá mới chỉ bắt đầu vào 1/4. Nhưng, căn cứ vào những gì mà Thủ tướng Nhật Bản hứa với Thủ tướng Việt Nam năm ngoái, và Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đầu năm này, tôi có lý do để tin rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục dành cho Việt Nam ODA ở quy mô lớn”, Đại sứ Sakaba dự báo.
Giải thích về mức lãi suất của các dự án ODA vừa ký, Đại sứ Sakaba cho biết thêm rằng những dự án có sự mua sắm công nghệ Nhật Bản sẽ được hưởng lãi suất rất ưu đãi (dưới 1%/năm), còn nếu liên quan đến cải tạo môi trường còn thấp hơn nữa (thậm chí chỉ 0,2%/năm). Được biết, dự án sản xuất điện hạt nhân được coi là biện pháp chống biến đổi khí hậu.
Huỳnh Phan (SGTT)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate