October 21, 2008 | 10:19 GMT+7

Điện hạt nhân: Việt Nam có nên xây 4 lò một lúc?

Phan Dương

Với trình độ hiện nay, Việt Nam nên xây dựng, vận hành 1 lò hay cả 4 lò phản ứng một lúc?

Điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm phát thải khí ô nhiễm.
Điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm phát thải khí ô nhiễm.
Với trình độ quản lý, vận hành hiện nay, để đảm bảo sự an toàn khi phát triển điện hạt nhân, Việt Nam nên xây dựng, vận hành 1 lò hay cả 4 lò phản ứng một lúc?

Những vấn đề này vừa được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về năng lượng nguyên tử Việt Nam đưa ra tại Hội thảo xây dựng nhà máy điện nguyên tử do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Theo kế hoạch dự thảo của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với 4 lò phản ứng, mỗi lò khoảng 1.000 MW và sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024.

"Nên bắt đầu bằng 1 lò"

Điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm phát thải khí ô nhiễm. Do đó, việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam sau năm 2020 là hợp lý.

Là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về năng lượng nguyên tử, GS.TS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đưa ra quan điểm, trước tiên chỉ nên khởi động một lò và cố tận dụng trường học thực tiễn này để xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ chuyên gia, cơ sở hạ tầng, học cách thực thi pháp luật hạt nhân, rồi trong quá trình đó sẽ tính tiếp.

Thành công của dự án không chỉ là đưa một lò phản ứng vào hoạt động, mà chính là có được nền tảng bước đầu đủ sức nhân lên cho các bước tiếp theo.

Lý giải điều này, ông Hiển cho rằng, có một thực tế là điện hạt nhân cho đến nay vẫn chưa thực sự an toàn. Và vấn đề an toàn điện hạt nhân đến mức nào không chỉ đơn thuần là công nghệ mà phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý, tổ chức và trình độ nhân lực.

Một trong bốn lò phản ứng mà ta sẽ vận hành sau 2020 có công suất nhiệt gấp 6.000 lần lò phản ứng Đà Lạt, lượng chất phóng xạ chứa trong lò cũng nhiều hơn hàng nghìn lần. Như vậy, nội lực phải nhân lên gấp bội, mới đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Muốn phát điện năm 2020 phải động thổ công trình không chậm hơn năm 2015, nghĩa là ngay từ bây giờ các chuyên gia cao cấp của Việt Nam phải bắt tay vào cuộc. Tuy nhiên, phải có thời gian đào tạo nguồn nhân lực ít nhất là 15 năm mới có thể chọn được người để giao đảm trách vấn đề an ninh quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, với thế lực và thực tế điều kiện Việt Nam như vậy, làm một lúc 4 lò phản ứng là chuyện quá mạo hiểm, quá sức và chưa từng có.

Ghi nhận trong lịch sử phát triển điện hạt nhân trên thế giới, chưa có nước nào vào cuộc một lúc với 4 lò với 4.000 MW và chiếm 15% tổng sản lượng điện, như kịch bản dự thảo của Việt Nam.

Trung Quốc bắt đầu có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên năm 1991, cũng chỉ với công suất khiêm tốn 300 MW.

Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn

Theo GS.TS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, xây dựng nhà máy điện hạt nhân yêu cầu về kỹ thuật rất cao, không thể như xây nhà máy đóng giày trong khi bản thân cán bộ xây dựng cũng chưa biết khâu nào là khâu nguy hiểm nhất. Các kỹ sư học 5 năm cũng chưa thể khẳng định làm được điện hạt nhân.

Chính vì vậy các nhà khoa học cần ngồi lại, bàn xem làm thế nào là tốt nhất, phải thận trọng trong lựa chọn công nghệ, thiết bị và nhà cung cấp. Các nguồn năng lượng khác có thể có sai số nhưng riêng với điện hạt nhân thì không cho phép sai số trong xây dựng và vận hành.

Là chuyên gia môi trường, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng nên đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng khi thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Nếu nhìn về cảm quan, điện hạt nhân không tạo ra khí CO2, ít rác thải... nhưng không có nghĩa là không gây ô nhiễm môi trường. Bởi chỉ cần một sự cố nhỏ phóng xạ bị phát tán ra môi trường cũng sẽ là mối nguy hại lớn. Về mặt môi trường, điện hạt nhân vẫn ẩn chứa môi nguy hại?

Không phản đối việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân bởi trước sau gì cũng phải dùng đến, nhưng GS. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lại đưa ra quan điểm cẩn trọng hơn, nếu nhu cầu của Việt Nam chưa thực sự cấp bách thì nên đẩy lùi thời gian xây dựng nhà máy để chờ những công nghệ hiện đại tiên tiến và an toàn hơn?

Thực tế với công nghệ lò tiên tiến thế hệ thứ 3 như hiện nay thì khó có thể xảy ra những thảm hoạ phóng xạ phạm vi 1.000 km do sai số vận hành như vụ Chernobyl, nhưng cũng không loại trừ những sự cố hạt nhân ở nhiều cấp độ khác nhau và xác xuất sự cố xảy ra có thể sẽ càng cao khi chưa có kinh nghiệm quản lý, vận hành mà đã xây dựng như kịch bản đã đưa ra.

Chính vì vậy, đẩy lùi được thời gian xây dựng xa bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu. Việc lùi thời gian xây dựng này sẽ được thực hiện trên cơ sở tính toán khả năng đáp ứng của các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng...

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa chính thức quyết định sẽ lựa chọn công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Theo TS. Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhà máy sẽ theo 3 kịch bản.

Kịch bản 1: chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại một địa điểm với 2 tổ máy (công suất tổng 2.000MW). 2 tổ máy dự kiến đi vào phát điện thương mại năm 2019 và 2020.

Kịch bản 2: xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại 2 vị trí với 4 tổ máy (công suất tổng 4000MW) và chọn một loại công nghệ cho cả 2 vị trí.

Kịch bản 3: xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại 2 vị trí với 4 tổ máy (công suất tổng 4000MW), chọn 2 loại công nghệ cho 2 vị trí.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate