Sáng 24/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, một số bộ, ngành liên quan về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang…
MỞ RỘNG QUY MÔ ĐỂ TỐI ƯU HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ TƯ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG
Theo chủ trương được phê duyệt, dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 77 km, trong đó xây dựng mới 69,7 km với quy mô đầu tư 2 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã giải phóng mặt bằng được 82% với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; thi công đạt trên 12% tổng khối lượng xây lắp toàn tuyến, bảo đảm hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối với các tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển kinh tế của địa phương và vùng, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đối với đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Cụ thể, đoạn tuyến từ nút giao Quốc lộ 37 đến nút giao Quốc lộ 3B (dài 22 km) sẽ được mở rộng nền, mặt đường lên 1 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đoạn tuyến còn lại tiếp tục thực hiện theo hồ sơ dự án đã phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, khẳng định phương án này sẽ giúp tỉnh phát huy ngay một phần hiệu quả đầu tư dự án khi kết nối với Quốc lộ 37 và Quốc lộ 3B với mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Đồng thời đáp ứng tiến độ thông xe toàn tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang vào cuối năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị điều chỉnh đoạn tuyến từ nút giao Quốc lộ 37 đến nút giao Quốc lộ 3B (dài 22 km) sẽ được mở rộng nền, mặt đường lên 1 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h
Trước đó, lãnh đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính đã phân tích về cơ sở pháp lý, cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn, hiệu quả kinh tế, thiết kế kỹ thuật… đối với phương án đề xuất của tỉnh Tuyên Quang, nhằm bảo đảm đúng quy định pháp luật, không làm lãng phí chi phí đầu tư, thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nhất quán việc đầu tư các tuyến cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe để bảo đảm an toàn kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, Quốc hội đã quyết định bổ sung thêm nguồn vốn cho dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023. Vì vậy, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy mô, thiết kế dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) cần được thực hiện.
HƯỚNG TỚI HOÀN THÀNH MỤC TIÊU 3000 KM ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, một số bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, giao thẩm quyền cho hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đối với dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) theo hướng điều chỉnh quy mô toàn tuyến lên 4 làn xe. Trong đó thi công hoàn chỉnh đoạn tuyến từ nút giao quốc lộ 37 đến nút giao Quốc lộ 3B (dài 22 km) thuộc đoạn đi qua tỉnh Tuyên Quang với quy mô 4 làn xe.
Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường dân sinh, hầm chui, công trình ngầm,… ở đoạn tuyến có 2 làn xe phải được điều chỉnh thiết kế, đồng bộ, giảm thiểu việc phá dỡ, phát sinh khối lượng thi công lớn khi mở rộng lên 4 làn xe vào giai đoạn 2.
Liên quan đến việc bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang lập bản đồ tiến độ; nỗ lực, đồng thuận, quyết tâm cao độ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng sức, đồng lòng, sát cánh với các nhà thầu, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Hà Giang, báo cáo Quốc hội về việc cho phép được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù khi thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang giống như tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện đối với đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 19/9/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1008/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” với 5 nội dung thi đua.
Thứ nhất, thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ, vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn các tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, thi đua thi công, tư vấn giám sát bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành; phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, thi đua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảm bảo thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư; công khai, minh bạch thông tin để các cấp có thẩm quyền và các tầng lớp Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thực hiện dự án.
Thứ tư, thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các dự án đường cao tốc để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực, sử dụng nguyên vật liệu có tính ứng dụng cao, thân thiện, an toàn với môi trường.
Thứ năm, thi đua tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chấp hành tốt chủ trương, tích cực tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng thuộc dự án đường cao tốc tại địa bàn cư trú.