Như VnEconomy đã đưa tin, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội chiều 25/5, một số vị đại biểu đã đặt vấn đề ngân sách tăng đến 80 ngàn tỷ thì việc tăng lương không phải khó.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi thì thực tế chưa đủ các điểu kiện để điều chỉnh lương cơ sở.
Duy trì tăng trưởng kinh tế, sẽ ưu tiên tăng lương
Thưa ông, giải thích về chuyện chưa tăng lương của Chính phủ là do ngân sách khó khăn, vậy khi ngân sách tăng đến 80 ngàn tỷ thì có thể tính đến việc “trả nợ” những đối tượng chưa được tăng lương?
Chỉ số giá tiêu dùng chưa tăng quá mức, việc mất giá trên giá trị thực của đồng tiền không lớn, chưa ảnh hưởng đến mức sống của người dân, chưa tạo ra áp lực phải tăng lương.
Nếu điều chỉnh tiền lương trong lúc chỉ số giá tiêu dùng đang ổn định như thế này thì quá bằng “đổ dầu vào lửa”, vì tăng lương cũng đồng nghĩa với việc tăng tiền vào lưu thông, mà như thế thì giá trị đồng tiền sẽ sụt giảm.
Việc tăng lương như thế thì vô hình chung lại không có giá trị.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và lương cơ sở cần căn cứ trên hai yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên và chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động tăng lên làm ảnh hưởng đến giá trị thực của tiền lương. Tăng lương khi đó là để đảm bảo tiền lương vẫn đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Thực sự, cả hai yếu tố này chưa đòi hỏi đến mức phải điều chỉnh tiền lương trong năm nay.
Nhưng vấn đề đại biểu đặt ra là khi hai năm qua lộ trình cải cách tiền lương đều được hoãn bởi lý do ngân sách khó khăn, nhưng thực tế ngân sách vẫn tăng, tăng cao, thì cần có lời giải thích cho thỏa đáng?
Uỷ ban Cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước mới đây đã họp và đã đề ra chương trình xem xét lại việc này. Nếu từ nay đến cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì được như quý 1, tức ngân sách tiếp tục có nguồn thu ổn định thì Chính phủ, Quốc hội chắc chắn sẽ xem xét để điều chỉnh lộ trình tăng tiền lương cơ sở.
Lần trước mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, tức chỉ tăng 100.000 đồng/tháng, có nghĩa nhà nước vẫn đang nợ công chức khoản “hụt lương” khi lộ trình tăng lương theo kế hoạch xây dựng trước đó không thực hiện được.
Lộ trình là từ nay đến 2020, tiền lương cơ sở phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức và tiền lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động ở khu vực có quan hệ lao động.
Với khu vực doanh nghiệp này, cho đến nay, cứ đều đặn 1/1 hàng năm là điều chỉnh rồi. Chỉ còn lương cơ sở áp dụng với khối công chức viên chức thì chắc chắn Chính phủ phải tính toán cân đối trong tình hình tăng trưởng đạt được cho đến cuối năm nay.
Nếu kết quả trong quý 2, quý 3 tới đây tiếp tục được đà của quý 1, tiếp tục nhích lên, thu ngân sách tăng thì chúng ta mới có “cơ” tính tiếp việc tăng lương.
Nâng lương phải không làm ảnh hưởng đời sống, giá cả
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh lương cơ sở trong năm 2015 dựa trên việc tạo nguồn của Bộ Tài chính. Việc này có mối liên hệ như thế nào với động thái của ủy ban cải cách tiền lương quốc gia mà ông vừa đề cập?
Đây chính là phương án Ủy ban Cải cách chính sách tiền lương của nhà nước đề ra. Là một thành viên của Uỷ ban, tôi có thể nói là đến thời điểm này, Uỷ ban mới chỉ dừng ở bước bàn để đánh giá thực trạng nguồn thu chứ chưa phải đã đưa ra Quốc hội ngay kỳ họp này.
Tại báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu mức lương cơ sở hiện tại mới chỉ bằng 44,2% mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. Nếu tính đủ các loại hệ số, phụ cấp thì một cử nhân đại học hết tập sự mới chỉ nhận được mức lương 3,58 triệu đồng/tháng. Tiền lương của các Bộ trưởng, theo đó, cũng chỉ đạt hơn 14 triệu đồng/tháng. Bộ trưởng đánh giá đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất khó khăn. Như vậy thì tính đến việc tăng lương khi có điều kiện thực hiện cũng là việc cấp bách, thưa ông?
Hai khu vực này khó có thể xem xét như nhau được bởi khu vực công, tiền lương cơ sở được sử dụng để tính theo hệ số tiền lương, ngạch bậc công chức nữa. Nhưng khu vực sản xuất kinh doanh thì mức lương tối thiểu 2,2 -3,2 triệu đồng/tháng gần như là trọn vẹn thu nhập hàng tháng của người lao động, nếu có cũng chỉ cộng thêm khoảng 7-8% nữa.
Quan trọng hơn, tương quan so sánh đặt ra cũng không được đánh giá là yếu tố để trì hoãn hay phải thúc ngay việc tăng lương vì như tôi đã nói, muốn xem xét điều chỉnh cần căn cứ vào 2 yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế phải tăng nhanh hơn nữa hoặc chỉ số trượt giá phải tăng đến mức ảnh hưởng đến tiền lương danh nghĩa. Hiện tại thì yếu tố giá chưa tác động, chưa gây áp lực gì với tiền lương.
Xét đến yếu tố thứ hai là tình hình phát triển kinh tế thì hết quý 1, kết quả tăng trưởng cũng mới đạt mức 6,03%, nhìn ra cũng chưa đủ điều kiện để tăng lương bởi nguyên tắc của tiền lương là tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng lương bình quân thì mới giữ được chỉ số giá tiêu dùng.
Còn dĩ nhiên cải cách tiền lương cơ sở vẫn mà một mục tiêu của Đảng, Nhà nước nhưng việc thực hiện phải dựa trên thực trạng của nền kinh tế và khả năng cân đối của ngân sách để chi cho tiền lương sao cho việc nâng lương cơ sở không làm ảnh hưởng đến đời sống, giá cả sinh hoạt.
Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được khả quan, chúng ta có phần ngân sách dôi dư như hiện nay thì theo tôi, ưu tiên số một phải tính đến là dành cho việc tăng lương.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate