Xiaomi đã tụt hạng trong danh sách các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới trong quý 3 vừa qua, khi hãng này đương đầu với cuộc khủng hoảng thiếu con chip trên toàn cầu và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Hãng smartphone Trung Quốc mới vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất chiếm thị phần thứ nhì thế giới trong quý 2 năm nay, chỉ đứng sau Samsung. Tuy nhiên, Xiaomi đã không giữ được lâu vị trí này, tụt trở lại vị trí thứ ba trong quý 3 vừa qua, trả lại vị trí “á quân” cho đối thủ đến từ Mỹ - theo dữ liệu từ Cointerpoint Research và Canalys được trang CNN Business trích dẫn.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, Xiaomi cho biết mảng smartphone của hãng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng khan hiếm con chip trên toàn cầu – tình trạng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến hết nửa đầu năm 2022.
“Bối cảnh năm nay rất đặc biệt, và đó là sự thiếu linh kiện trên toàn cầu”, Chủ tịch Wang Xiang của Xiaomi nói trong một cuộc trao đổi với các nhà phân tích sau khi công ty công bố báo cáo tài chính. “Sự khan hiếm này là một thách thức lớn đối với chúng tôi”.
Trong quý 3, Xiaomi bán được 43,9 triệu smartphone trên toàn cầu, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xiaomi vốn gọi mảng smartphone là “hòn đá tảng” trong hoạt động kinh doanh của công ty, ngoài những mảng như thiết bị gia dụng. Gần đây, công ty này tuyên bố nhảy vào lĩnh vực ô tô điện, với kế hoạch sản xuất hàng loạt mẫu xe điện đầu tiên trong nửa đầu năm 2020.
Theo Giám đốc nghiên cứu Tarun Pathak của Counterpoint, thiếu linh kiện đã ảnh hưởng tới hầu như tất cả các nhà sản xuất smartphone, nhưng Xiaomi đối mặt với thách thức lớn hơn do mức độ đa dạng sản phẩm cao của hãng.
Trong quý 3 vừa qua, Xiaomi có hơn 50 mẫu smartphone khác nhau trên thị trường, so với chỉ 14 mẫu của Apple – ông Pathak cho hay. Điều này dẫn tới sự phức tạp lớn hơn và trở thành thách thức đối với Xiaomi, “vì họ phải xoay sở nguồn cung cho nhiều linh kiện khác nhau”, ông nói.
Chịu ảnh hưởng tương đối ít hơn trong cuộc khủng hoảng khan hiếm con chip là một lý do giúp Apple giành lại vị trí thứ hai. Ngoài ra, “táo khuyết” cũng hưởng lợi nhiều từ doanh số “khủng” của điện thoại iPhone 13 – theo Canalys. Trong một báo cáo gần đây, Canalys ước tính Apple chiếm 15% thị phần smartphone toàn cầu trong quý 3, nhiều hơn một điểm phần trăm so với thị phần của Xiaomi.
Tuy nhiên, ông Pathak không cho rằng Xiaomi sẽ bị tụt lại mãi. Ông nói Xiaomi có thể giành lại vị trí thứ hai về thị phần trong nửa đầu năm 2022, nhất là khi doanh số của hãng có thể hưởng lợi từ dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc.
Mục tiêu lớn nhất của Xiaomi là vượt qua Samsung để trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới. Theo ông Pathak, để đạt mục tiêu đó, Xiaomi cần duy trì vị thế đi đầu tại hai thị trường quan trọng nhất của hãng là Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời giành thêm thị phần ở những nơi như Mỹ.
“Để trở thành số 1, Xiaomi không thể chỉ dựa vào hai thị trường đông dân nhất thế giới”, ông Pathak nói. “Mỹ là thị trường smartphone lớn thứ ba thế giới, nhưng còn giữ vị trí rất khiêm tốn trong danh sách thị trường của Xiaomi”.
Doanh thu quý 3 của Xiaomi đạt 78,1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 12,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Lợi nhuận ròng tăng 25%, đạt gần 5,2 tỷ USD, tương đương 814 triệu USD, cao hơn dự báo.