Sau khi Nga mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, giá dầu thế giới đã tăng với tốc độ chóng mặt.
Mới tuần trước, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc vượt mức 139 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2008. Giới phân tích cảnh báo giá dầu có thể lên mức 185 USD/thùng, thậm chí là 200 USD/thùng, do các nhà giao dịch từ chối dầu Nga. Một kịch bản u ám của nền kinh tế toàn cầu được vạch ra, với lạm phát không ngừng leo thang và tăng trưởng rơi vào trì trệ.
Nhưng tuần này, nỗi lo sợ của giới đầu tư toàn cầu có vẻ đã dịu đi. Đến hiện tại, giá dầu Brent – giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu – đã giảm khoảng 30% kể từ đỉnh. Mất 6,5% trong phiên ngày thứ Ba, đây là lần đầu tiên giá dầu Brent đóng cửa dưới mốc 100 USD/thùng trong tháng 3 này.
Tâm trạng giải toả của nhà đầu tư thể hiện rõ qua diễn biến giá cổ phiếu. Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt tăng từ 1,8-2,9% trong phiên này.
Vậy điều gì đã khiến giá dầu sụt giảm mạnh đến vậy từ mức đỉnh của 14 năm?
Theo trang CNN Business, nguyên nhân đầu tiên là hy vọng rằng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có thể tăng sản lượng khai thác dầu.
Thứ hai là những nhận định cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới, có thể sụt giảm vì các biện pháp chống Covid-19 đang được cấp tập triển khai tại một số thành phố lớn của nước này nhằm ứng phó với đợt bùng dịch đang diễn ra.
Thứ ba là thị trường bắt đầu hy vọng vào một giải pháp sớm cho chiến tranh Nga-Ukraine. Và thứ tư, dầu Nga đang thu hút khách mua trở lại.
Sau khi Nga tấn công Ukraine vào hôm 24/2, giá dầu tăng bùng nổ khi giới giao dịch ngại mua bán dầu Nga vì e có thể phạm phải các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Thậm chí trước khi Mỹ đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga, và Liên minh châu Âu (EU) cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa áp bất kỳ một lệnh cấm nào đối với năng lượng Nga, thị trường đã lo ngại dòng dầu 4-5 triệu thùng/ngày từ Nga sẽ bị gián đoạn và không có nguồn thay thế trong bối cảnh mùa hè với nhu cầu đi lại lớn đang đến gần.
Nhưng trong một tuần trở lại đây, nhà đầu tư có vẻ cho rằng họ đã đi quá xa và quá nhanh. Đại sứ UAE tại Washington nói nước này muốn tăng sản lượng dầu. Tuyên bố này làm dấy lên hy vọng rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) rốt cục có thể can thiệp để kéo giá dầu xuống. Cùng với đó, Nga và Ukraine tiếp tục đàm phán – một dấu hiệu cho thấy cả hai bên đều đang muốn tìm một giải pháp để kết thúc chiến tranh.
Quyết tâm theo đuổi chiến lược “Zero Covid” (Không Covid) của Trung Quốc đã dẫn tới việc thành phố Thẩm Quyến bị phong toả và các quy định chống dịch ngặt nghèo được áp dụng ở Thượng Hải. Điều này có nghĩa là trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc có thể yếu đi. Trong điều kiện bình thường, nước này nhập khẩu khoảng 11 triệu thùng dầu mỗi ngày.
“Mọi người chợt nhận ra rằng chúng ta vẫn ở trong đại dịch”, ông Bjonar Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường dầu lửa thuộc công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhận định.
Mức giá dầu 100 USD/thùng vẫn là cao, nhưng nếu giá dầu duy trì ở vùng này, mối lo về một sự tăng tốc của lạm phát có thể dịu đi. Các nhà hoạch định chính sách vì thế có thể thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn đang có nhiều mối lo khi họ đánh giá về tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. So với giá dầu Brent, dầu thô của Nga đang giao dịch với mức giá thấp hơn 26 USD/thùng.
Ngoài ra, hoạt động đi lại trên toàn cầu có thể tăng mạnh khi làn sóng biến chủng Omicron lắng xuống. Nhà phân tích Giovanni Staunovo lấy điều này làm cơ sở để dự báo giá dầu giao dịch ở ngưỡng 125 USD/thùng vào cuối tháng 6 năm nay.
Về phần mình, ông Tonhaugen cho rằng giá dầu vẫn có thể lập kỷ lục mới nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn. “Đây chỉ là một khoảng lặng trước cơn bão mà thôi”, ông nói.