June 15, 2021 | 21:08 GMT+7

Điều hành thu - chi ngân sách nhà nước kịp thời, đảm bảo "mục tiêu kép"

Quang Trung -

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát sao, điều chỉnh chính sách thu - chi ngân sách phù hợp nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”...

Toàn cảnh phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 57, ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 5, 5 tháng đầu năm, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo cho biết từ cuối tháng 4/2021, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của người dân và bắt đầu có tác động tới thu, chi ngân sách nhà nước. 

Trong tháng 5, thu ngân sách nhà nước đạt 98.600 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chi ngân sách tháng 5 là 125.800 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đạt 34,5% dự toán. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, về tổng thể cân đối ngân sách 5 tháng có thặng dư (thu lớn hơn chi).

Về dự báo thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng, thu ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 43% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, trong những tháng đầu năm, điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19 với nhiều chính sách gia hạn, miễn nhiều loại thuế, phí. 

5 tháng đầu năm, đã gia hạn 21.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2.460 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, từ đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ đã chủ động đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như đảm bảo điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Tính cả năm 2020, ngân sách nhà nước đã chi 21.100 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân. Ngoài ra, ngân sách trung ương đã dành trên 14.500 tỷ đồng để mua vaccine ngừa Covid-19. 

Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết dù tổng thể tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá, song một số khoản thu đạt thấp, trong đó thu ngân sách từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hiện rất khó khăn. Số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng, bên cạnh đó còn có tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, công tác triển khai phân bổ ngân sách, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (5 tháng mới đạt 2,97% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Dự toán kinh phí năm 2021 đã bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chính sách thuộc 21 chương trình mục tiêu giai đoạn trước đến nay cơ bản chưa thực hiện.

Về tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Tài chính đánh giá còn nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng như áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế. Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và thu, chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

“Chính phủ xác định giải pháp cho những tháng cuối năm là tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu ‘kép’ - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh. 

Tại phiên họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vaccine phòng dịch Covid-19.

Đồng thời, trình chuyển nguồn 14.600 tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng sang năm 2021. Thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi phòng chống dịch Covid-19. 

KHẮC PHỤC NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng công tác đánh giá, dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước còn chưa tích cực, làm cho việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 chưa sát với thực tế trước những tác động của đại dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục ở mức thấp, nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao. 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục trong chi ngân sách. 

Thứ nhất, việc triển khai phân bổ ngân sách còn chậm. Tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn khoảng 12% kế hoạch; dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 2.400 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển của các Chương trình Mặt trận Tổ Quốc đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.

Một số nhiệm vụ chi của các Bộ, ngành thuộc 21 Chương trình mục tiêu cũng chưa được lồng ghép, rà soát đưa vào nhiệm vụ chi thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương, dẫn đến không có khả năng thực hiện.

Thứ hai, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, nhất là vốn ngoài nước. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc trên; khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi cơ chế, chính sách (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Đối với việc bố trí nguồn chi ngân sách nhà nước khắc phục ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, để có cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đề nghị Chính phủ sớm sơ kết, đánh giá, báo cáo cụ thể với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất về kết quả phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và các gói cứu trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng yêu cầu Chính phủ kiến nghị các giải pháp đủ mạnh để tấn công, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, trong đó có giải pháp với lộ trình cụ thể về kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, bổ sung các số liệu ước thực hiện của cả năm và có cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu ngân sách nhà nước, mức trần nợ công. 

Từ đó, có biện pháp điều hành thu - chi ngân sách nhà nước kịp thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mức trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate