March 20, 2018 | 09:00 GMT+7

Dính bê bối lộ thông tin người dùng, cổ phiếu Facebook sụt mạnh nhất 4 năm

Đức Anh

Facebook đang đứng trước phép thử lớn khi phải đối mặt với loạt bê bối suốt từ năm ngoái đến nay, nhưng lại phản ứng bằng sự lúng túng hoặc im lặng

Người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg - Ảnh: Reuters.
Người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg - Ảnh: Reuters.

Trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ngày 19/3, giá cổ phiếu Facebook giảm 4,05% do thông tin liên quan tới việc hãng nghiên cứu chính trị Cambridge Analytica đã sử dụng mạng xã hội này để khai thác bất hợp pháp thông tin của 50 triệu người dùng.

Thêm bê bối liên quan tới bầu cử tổng thống Mỹ

Theo Markets Insider, giá cổ phiếu cổ phiếu Facebook đứng ở mức 177,6 USD trong phiên giao dịch trước giờ ngày 19/3, giảm từ 185,09 USD so với giá đóng cửa thứ 6 tuần trước. 

Chốt phiên, giá cổ phiếu Facebook sụt 6,77% - mức giảm ngày tồi tệ nhất kể từ 26/3/2014, theo dữ liệu từ FactSet.

Trước những liên quan của Cambridge Analytica tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cơ quan chức năng tại Mỹ và Anh đang tiến hành điều tra Facebook cũng như vai trò của mạng xã hội này trong cuộc bầu cử. Facebook đang phải chịu áp lực từ phía cơ quan chức năng về cách thức xử lý dữ liệu của người dùng và khả năng thao túng với các quảng cáo chính trị có chủ đích.

Trước đó, hôm 17/3, tờ The Guardian và The New York Times đưa tin về việc Cambridge Analytica đã tiếp cận được dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 mà không được sự cho phép của họ. Công ty này đã dùng những thông tin có được để tung ra các quảng cáo có chủ đích cho chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Facebook.

"Chúng tôi đã tận dụng Facebook để khai thác thông tin của hàng triệu người dùng. Và chúng tôi xây dựng các phương thức để hưởng lợi từ những thông tin đó và nhắm tới những bí mật sâu kín nhất của họ. Đó chính là nền tảng của công ty", Christopher Wylie - một cựu nhân viên của Cambridge Analytica.

Cambridge Analytica ban đầu được tài trợ bởi tỷ phú Robert Mercer và sau đó bởi cự cố vấn của ông Trumop - Steve Bannon.

Cambridge Analytica đã tìm cách tiếp cận thông tin người dùng Facebook sau khi hợp tác với giáo sư tâm lý của đại học Cambridge - Aleksandr Kogan và công ty của ông này -Global Science Research (GSR) vào năm 2014. GSR đã phát triển một phần mềm có tên "thisisyourdigitallife" (tạm dịch: Đây là cuộc sống số của bạn) để tìm ra những thứ mà người dùng đã "like" (thích) trên Facebook. Cambridge Analytica và GSR đã trả cho khoảng 270.000 người để họ tải ứng dụng này xuống và tiến hành bài test về tính cách. Tuy nhiên, khi đó ứng dụng này đồng thời cũng lưu lại luôn thông tin của bạn bè họ.

Sau đó, Facebook đã bắt đầu cảnh giác với ứng dụng này và yêu cầu GSR cùng Cambridge Analytica xóa tất cả dữ liệu họ có về người dùng. Tuy nhiên, tờ The New York Times cho biết công ty Cambridge Analytica hiện vẫn giữ lại hầu hết số dữ liệu trên.

Hôm 16/3, Facebook đã khóa tài khoản của công ty này để tránh vụ việc bị công khai, nhưng rồi vẫn bị đưa lên các mặt báo.

Theo chính trị gia người Anh Damian Collins – người giám sát một cuộc điều tra về tin tức giả, cho biết Cambridge Analytica đã "cố ý lừa dối về việc sử dụng dữ liệu người dùng trên Facebook". Ông Collines cũng nói rằng lãnh đạo của Facebook đã cố tránh các câu hỏi về vai trò của mạng xã hội này trong việc lan truyền tin tức giả cũng như can thiệp bầu cử.

Phản ứng lúng túng 

Theo CNBC, Facebook đang đứng trước phép thử lớn khi phải đối mặt với loạt bê bối suốt từ năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo đã phản ứng chúng lại bằng sự lúng túng hoặc im lặng. 

Trong suốt năm qua, mỗi khi có tin xấu ập đến, Facebook dường như luôn hạ thấp tầm quan trọng của nó và tìm cách chôn vùi. Trong vòng 24h kể từ khi những bê bối xảy ra, giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và giám đốc hoạt động Sheryl Sandberg đều không có phản ứng nào.

Những hành động hiện tại của lãnh đạo Facebook gợi nhớ tới phản ứng của lãnh đạo của Nokia và Blackberry khi iPhone của Apple ra mắt thị trường. Lợi nhuận của họ vẫn tăng trong vài năm và do đó họ bỏ qua mọi đe dọa từ đối thủ mới. Đến khi người dùng bắt đầu quay lưng thì mọi thứ đã quá muộn.

Về phía người dùng, họ bắt đầu để tâm hơn đến việc những chia sẻ của mình trên Facebook có thể bị lợi dùng theo những cách mà họ không mong muốn và bắt đầu giảm thời gian lướt Facebook.

Trong khi đó, lãnh đạo của mạng xã hội này đang "đua nhau" bán cổ phiếu. Năm ngoái, người đồng sáng lập Zuckerberg tuyên bố sẽ bán ra khoảng 75 triệu cổ phiếu Facebook (khoảng 18% cổ phần của mình tại Facebook) trị giá gần 13 tỷ USD cho đến giữa năm 2019 để tài trợ cho tổ chức từ thiện của mình Chan Zuckerberg Initiative (CZI). Tháng trước, ông chủ Facebook tiếp tục bán 500 triệu USD cổ phiếu này và cho biết sẽ bán nhiều hơn nữa trong tháng này.

Trong khi đó, các lãnh đạo cấp cao khác của công ty cũng đang bán ra lượng lớn cổ phiếu mình nắm giữ. Jan Koum – người sáng lập ứng dụng nhắn tin WhatsApp được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD vào năm 2015, bán ra số cổ phiếu trị giá tổng cộng 2,8 tỷ USD trong năm ngoái. Trong khi đó, bà Sandberg bán hơn 300 triệu USD cổ phiếu này. Cổ phiếu Facebook đã tăng hơn 80% trong 1 tháng qua.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate