September 23, 2024 | 13:38 GMT+7

Định hình “tam cực” công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Ngô Huyền

Từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP.Hồ Chí Minh, các dự án nghiên cứu và phát triển ngành vi mạch bán dẫn đang được hình thành. Quyết tâm làm chủ công nghệ bán dẫn của nhiều thành phố sẽ là tiền đề quan trọng để góp phần đưa Việt Nam thực hiện mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu...

Theo nghiên cứu của Statista, doanh thu trong thị trường chất bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm 2024
Theo nghiên cứu của Statista, doanh thu trong thị trường chất bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm 2024

Mới đây, TP.Hồ Chí Minh đã chính thức phê duyệt “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP.Hồ Chí Minh tại Khu công nghệ cao giai đoạn 2025-2030” với mục tiêu đến năm 2030 thành phố sẽ có hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ. 

Tại Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định bán dẫn sẽ là lĩnh vực chiến lược được ưu tiên thu hút đầu tư, với nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực này và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của Đà Nẵng” và đang trong quá trình phê duyệt. Nếu được thông qua, đề án sẽ tác động lớn đến nỗ lực làm chủ công nghệ bán dẫn của Đà Nẵng.

KHU CÔNG NGHỆ CAO LÀ “CHIP” CỦA NGÀNH BÁN DẪN 

Sản xuất bán dẫn luôn đòi hỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, nguồn lực dồi dào phù hợp với yêu cầu khắt khe của ngành. Do đó, các khu công nghệ cao – những khu vực được Chính phủ đầu tư xây dựng với trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường pháp lý và các chính sách hỗ trợ đầu tư thuận lợi, hiện được ba thành phố ưu tiên định hướng phát triển thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển vi mạch. 

Trong chương trình phát triển bán dẫn, TP.Hồ Chí Minh định hướng đưa Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu quốc gia. Hiện nay, Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh cũng là nơi đào tạo kỹ năng thiết kế vi mạch cho nhân lực của thành phố cũng như cho Đồng Nai, Bình Dương… Sắp tới đây, TP.Hồ Chí Minh sẽ thành lập Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch quy mô 5 triệu USD nhằm mở rộng quy mô, đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030. 

Bên cạnh đó, để xây dựng vệ tinh doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao sẽ được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế lõi vi mạch mềm và phát triển vi mạch. 

Để phát triển ngành vi mạch bán dẫn, trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, Hà Nội cũng xác định sẽ ưu tiên đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đang tập hợp nhiều tổ chức công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Viettel, FPT, MobiFone, VinaPhone, CMC, Viện Khoa học, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)... Điều này được các chuyên gia đánh giá sẽ là lợi thế quan trọng để Hòa Lạc phát triển công nghệ cao và sớm trở thành “đầu tàu” công nghiệp vi mạch quốc gia. 

Mặc dù đã có một khu công nghệ cao và ba khu công nghệ thông tin, Đà Nẵng vẫn mong muốn đưa thành phố trở thành trung tâm bán dẫn hàng đầu. Đà Nẵng có kế hoạch sẽ đầu tư thêm các khu công nghệ thông tin mới nhằm nghiên cứu và phát triển các dự án về công nghệ cao, trong đó có các dự án về vi mạch. 

Các khu công nghệ cao của Đà Nẵng đã và đang thu hút các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu quốc tế như Intel, Synopsys... Với lợi thế hạ tầng, nhân lực, chính sách thu hút, Đà Nẵng được dự đoán sẽ tiếp tục hút các tổ chức bán dẫn hàng đầu trong thời gian tới. Được biết, Tập đoàn Foxlink International Investment của Đài Loan (Trung Quốc) sau khi đầu tư giai đoạn 1 vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư lên đến 135 triệu USD, sẽ đưa thêm một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đến đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. 

Việc thu hút thành công các công ty lớn như Samsung, Intel, Amkor... vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và đóng gói bán dẫn. Tuy nhiên, giá trị gia tăng cao nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn không nằm ở sản xuất mà ở khâu thiết kế và phát triển chip. Đây cũng là khâu quan trọng mà Việt Nam muốn tham gia làm chủ và các khu công nghệ cao sẽ là vườn ươm để Việt Nam thực hiện mục tiêu này. 

MIỄN THUẾ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP VÀ

NHÀ ĐẦU TƯ 

Để thu hút các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam, việc tạo ra các lợi thế chính sách ưu đãi như miễn thuế đất, ưu đãi với thuế thu nhập doanh nghiệp,... được các thành phố xác định sẽ là lực hút quan trọng để tập hợp các nguồn lực thực hiện mục tiêu làm chủ công nghệ vi mạch. 

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 hiện đã cho phép các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn được hưởng các chính sách sau: được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ triển khai hàng loạt các chính sách thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, bao gồm cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 5 năm. 

Bên cạnh ba trung tâm công nghệ hàng đầu cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, một số thành phố khác như Bắc Ninh, Bắc Giang… đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nhân lực để tạo ra hệ sinh thái thuận lợi phát triển ngành bán dẫn. Theo nghiên cứu của Statista, doanh thu trong thị trường chất bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm 2024; trong giai đoạn 2024-2029, thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 11,48% để đạt giá trị 31,39 tỷ USD vào năm 2029.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS.Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA, cho rằng điểm cơ bản nhất và cũng là điểm khác biệt giữa các tỉnh, địa phương, là phải tạo ra được cơ chế chính sách đáp ứng tốt nhất cho mục tiêu mà tỉnh, thành phố mình đặt ra... 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2024 phát hành ngày 23/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Định hình “tam cực” công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate