February 15, 2022 | 14:54 GMT+7

Định hướng ưu tiên thực hiện các quyết định của Hội nghị COP26

Đỗ Phong -

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí mê-tan; đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050, trong đó, có hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng về “0” đến 2050…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Đoàn công tác của ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Đoàn công tác của ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26

Kế hoạch này vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin trong buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 ngày 14/2/2022. Tại đây, hai bên đã cùng nhau trao đổi các định hướng ưu tiên thực hiện các quyết định của COP26 và chuẩn bị nội dung cho Hội nghị COP27.

Trước đó, COP26 được tổ chức thành công và đã kích hoạt được sự quan tâm trở lại của thế giới đối với vấn đề biến đổi khí hậu khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua. COP26 đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó có các cam kết của các quốc gia đưa mức phát thải về “0” vào giữa thế kỷ, bảo đảm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ; loại bỏ dần năng lượng hóa thạch; phát triển năng lượng sạch; giảm phát thải mê-tan; cơ chế thị trường và phi thị trường thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)…

Bộ trưởng cho biết, ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban và các Bộ ngành liên quan.

Ban Chỉ đạo đã họp và đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới như: Đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; Hạ tầng xây dựng và giao thông; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Tài nguyên và môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; An sinh xã hội, chuyển đổi công bằng và Ngoại giao khí hậu…

 
Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban và các Bộ ngành liên quan. Ban Chỉ đạo đã họp và đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới.

Về thể chế, Việt Nam đã đưa vấn đề thực hiện NDC vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định về thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn. Bộ đã ban hành Thông tư thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu; đang xây dựng kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí mê-tan; đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050, trong đó, có hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng về “0” đến 2050…

Về các hoạt động cụ thể thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Hà cho biết, trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII sẽ từng bước chuyển sang các nguồn năng lượng sạch; khu vực cần bảo vệ thì khoanh lại để giữ rừng và môi trường; quy hoạch lại các khu vực cần bảo vệ rừng, sinh thái; đưa ra các giải pháp giảm khí metal, tái tạo rác thải bảo vệ môi trường…

Có thể thấy, Việt Nam đã rất chủ động thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự hỗ trợ chuyển giao về công nghệ, tài chính, hợp tác của cộng đồng quốc tế thông qua các cơ chế song phương, đa phương và đầu tư doanh nghiệp.

Trước những kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, Chính phủ Anh sẽ đồng hành và hỗ trợ cho Việt Nam. Ông Alok Kumar Sharma cũng tán thành quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cần có cơ quan điều phối để các bên khi tiến hành hợp tác sẽ thống nhất được các điều kiện về cơ chế chính sách, tài chính… để cùng hướng tới mục tiêu đã cam kết tại COP26 và hướng tới COP27.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate