Ngày 30/12, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG-HOSE) thông báo đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, chuyển nhượng thành công một công ty thành viên tại Hồng Kông có nhà máy ở Trung Quốc.
Theo đó, DLG chuyển nhượng thành công toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (gọi tắt Công ty Mass Noble) cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Alpha Seven trụ sở chính tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) với trị giá 255 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 5/2015, DLG “thâu tóm” Mass Noble thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu để trở thành Công ty mẹ của Mass Noble Investments Limited, nắm giữ đến 97,73% vốn điều lệ.
Mass Noble có trụ sở tại Road Town, quần đảo Virgin Islands thuộc Anh. Ngành nghề chính là sản xuất linh kiện điện tử, đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 50.000m2, nằm tại trung tâm TP. Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông; sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như: các loại đèn led cao cấp, màn hình LCD, thiết bị smarthome, đặc biệt là sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho phái nữ, thiết bị âm thanh… thị trường tiêu thụ chủ yếu tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…
Đại diện DLG chia sẻ, mục đích của việc chuyển nhượng này nằm trong lộ trình tái cấu trúc toàn diện của DLG, thông qua hình thức chuyển nhượng các dự án, tài sản không hiệu quả, nhằm giảm chi phí tài chính doanh nghiệp, tạo tiền đề để DLG phát triển nhanh và bền vững, đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng này được dùng để tất toán dứt điểm nợ tại Ngân hàng Sacombank và trả một phần tại Ngân hàng BIDV.
Hiện tại, DLG đã tất toán toàn bộ khoản nợ tại Sacombank với số tiền hơn 650 tỷ (bao gồm gốc và lãi). Đây là khoản vay từ nhiều năm qua tại Sacombank. Do vậy, Sacombank đã quyết định miễn giảm toàn bộ tiền lãi phát sinh và lãi quá hạn cho DLG với tổng số tiền lên tới 420 tỷ đồng.
Thặng dư từ việc chuyển nhượng vốn góp cùng với số tiền lãi được miễn, giảm sẽ được hoàn nhập dự phòng và ghi nhận lợi nhuận trong năm 2024, 2025 cho DLG.
Việc chuyển nhượng thành công nhà máy tại Trung Quốc, cùng với tất toán xong toàn bộ các khoản vay tại Sacombank, được xem là động thái tích cực của Hội đồng Quản trị DLG đã cam kết với cổ đông, nhà đầu tư trong quá trình tái cấu trúc toàn diện.
Dự kiến đến 31/12/2024, DLG trả trên 40% nợ quá hạn; đồng thời quyết tâm thu nợ trên 70% từ các đối tác, khách hàng (hoặc yêu cầu các đối tác phải có tài sản đảm bảo).
Trong năm 2025, DLG sẽ thu hết số nợ còn lại từ các đối tác, khách hàng và huy động các nguồn khác để trả sạch nợ còn lại tại Ngân hàng BIDV, vượt kế hoạch trả nợ 01 năm so với dự kiến.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của DLG ghi nhận hơn 815 tỷ đồng (tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023), đạt gần 60% kế hoạch năm 2024.
Doanh thu chủ yếu đến từ lĩnh vực kinh doanh linh kiện điện tử, thu phí cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, thủy điện, kinh doanh các hoạt động thương mại… Mặc dù vậy nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 125,6 tỷ đồng, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2023 và đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Như vậy, 9 tháng đầu năm 2024, DLG đã vượt hơn 100% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm nay.
Theo DLG, để có được kết quả trên, DLG chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh khác nhau, đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt theo biến động thị trường như: cấu trúc toàn diện công ty; đánh giá rủi ro và tăng cường thu nợ của khách hàng; cắt giảm chi phí; hoàn nhập dự phòng…
Theo ban lãnh đạo DLG, tính đến 30/9/2024, DLG đã thu hồi trên 50% công nợ từ đối tác, khách hàng, số còn lại đều có tài sản đảm bảo và sẽ tiếp tục thu hồi từ nay cho đến cuối năm 2024. DLG quyết tâm từ nay cho đến cuối năm 2024 sẽ trả số nợ khoảng 500 tỷ đồng tại các ngân hàng và sẽ tất toán toàn bộ dư nợ quá hạn chậm nhất trong năm 2025 (trước 1 đến 2 năm so với kế hoạch đề ra). Đây là tiền đề và cơ sở để khắc phục những ý kiến ngoại trừ mà kiểm toán đã đưa ra trước đó.