Trong khi các siêu thị, cửa hàng thực phẩm dễ diễn ra điệp khúc “mở rồi lại đóng” do dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nhiều cửa hàng của những chuỗi bán lẻ như Con Cưng, Pharmacity, Anh văn Yola... sau hơn 2 tuần tham gia bán rau củ quả đã phải thu hẹp hoạt động.
Siêu thị, cửa hàng thực phẩm đóng cửa khiến mối lo giải quyết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao bởi hệ thống này đang gánh cho hàng trăm chợ truyền thống phải đóng cửa để phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trước đó. Lúc này, việc các doanh nghiệp đang chuyển đổi sang hình thức bán hàng theo combo, mua chung nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp là một giải pháp hiệu quả.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ tại TP.HCM, hình thức bán hàng theo combo đang trở nên phổ biến vì đáp ứng được nhiều tiêu chí trong bối cảnh sức mua đang đổ dồn về kênh mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng. Đơn vị bán hàng chủ động phân bổ mặt hàng, số lượng, soạn đơn hàng tập trung… nên tiết kiệm thời gian cho cả người bán, người mua.
Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ mà nhiều doanh nghiệp bán hàng online cũng thiết kế, cung cấp các combo thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô. CLB thị trường (thuộc tạp chí Kinh tế Sài Gòn), Công ty Biti’s, các doanh nghiệp bán hoa tươi… cũng vừa tham gia bán rau củ quả online để hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM theo hình thức combo này.
Mới đây nhất, Công ty VinCommerce (chủ hệ thống Vinmart, Vinmart+) đã gửi văn bản đến Sở Công Thương TP.HCM đề xuất giải pháp cung cấp hàng thiết yếu theo hình thức combo mua chung. Hệ thống cửa hàng GS 25 cũng vừa bổ sung nhóm thực phẩm tươi sống vào danh mục kinh doanh và đã giới thiệu 5 combo mức giá 100.000 đồng, 150.000 đồng, 200.000 đồng, 250.000 đồng và 400.000 đồng. Trong đó, trừ combo 100.000 chỉ có rau củ, 4 mẫu combo còn lại sẽ linh động có thêm thực phẩm khô hoặc thịt, cá tươi. Các combo này bán tại chỗ hoặc bán qua điện thoại, bán online… cho khách hàng trong nội quận.
Hệ thống siêu thị MM Mega Market đã đưa vào kinh doanh 8 mẫu combo (gồm 6 combo rau củ quả và 3 combo thực phẩm mặn) trên website của 3 siêu thị ở TP.HCM. Chỉ sau 2 tuần triển khai, mỗi ngày hệ thống này nhận hơn 200 đơn đặt hàng. Cũng đang triển khai mô hình này, Saigon Co.op cho biết, đang làm việc với nhiều quận, huyện để tăng mức độ áp dụng phương thức bán hàng đặt trước dưới dạng combo. "Đây là phương án vừa nhanh, vừa giảm tải cho nhân viên bán hàng. Song song đó, hoạt động này giảm được khả năng lây nhiễm bệnh," đại diện Saigon Co.op nói.
Đánh giá về giải pháp trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi phương thức bán hàng là giải pháp hạn chế tiếp xúc và tăng năng lực cung ứng. Nếu triển khai rộng cũng sẽ hạn chế được lây lan dịch bệnh. Ngoài mua trực tiếp, đặt hàng qua điện thoại, nhiều người dân có thể đặt mua chung để tiện lợi trong việc giao nhận. Đây cũng là giải pháp đã và đang được đơn vị khuyến khích các quận huyện, cửa hàng, siêu thị đẩy mạnh mức độ, phạm vi áp dụng nhằm giảm tải áp lực lên các hệ thống bán hàng, giao nhận, hạn chế tiếp xúc.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, đến nay, việc cung ứng các hàng thiết yếu trên địa bàn đã có phần ổn định hơn những ngày trước; tình trạng người dân tập trung xếp hàng mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng cũng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tại một số khu vực có ít siêu thị, cửa hàng hoặc cửa hàng nhỏ không có kho dự trữ, người dân đi mua sắm theo phiếu vào buổi chiều không còn hàng để mua.
Hiện ngành công thương thành phố cũng đang tích cực làm việc với phòng kinh tế các quận, huyện, TP Thủ Đức để mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm ở các chợ truyền thống, tăng cường hoạt động bán hàng lưu động, bổ sung các điểm bán thực phẩm thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng online… để có thêm nhiều điểm mua sắm hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân.