January 13, 2025 | 09:52 GMT+7

Doanh nghiệp bị lừa tiền tỷ chi “phí tư vấn”, “bôi trơn” dự án

Đỗ Mến -

Mạo danh cán bộ nhà nước, thuê người vẽ dự án để đưa cho doanh nghiệp xem, các đối tượng còn đưa ra các thông tin gian dối về việc có quyết định phê duyệt dự án…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội vừa xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích Thành (SN 1982, ở quận Ba Đình, Hà Nội) 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Thành là lao động tự do. Khoảng tháng 9/2019, do cần tiền chi tiêu, Thành đưa thông tin gian dối, giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ quen biết các cán bộ cơ quan nhà nước, có khả năng xin được dự án.

LỪA ĐẢO "NÚP BÓNG" PHÍ TƯ VẤN DỰ ÁN

Năm 2019, Thành mạo danh là “Hằng”, giới thiệu với anh T. đang công tác tại Thanh tra Chính phủ. Anh T. đang có nhu cầu xin dự án xây dựng chợ làng nghề truyền thống Bắc Bộ trên khu đất nông nghiệp tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Thành nói có thể lo được và nói thêm dự án chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 làm thủ tục xin phê duyệt dự án với chi phí 4 tỷ đồng, giai đoạn 2 xây dựng dự án chi phí 10 tỷ đồng. Tin tưởng năng lực của Thành, anh T. đồng ý với phương án Thành đưa ra.

Theo yêu cầu của bị cáo, anh này chuyển khoản 4 tỷ đồng đến tài khoản mang tên Trần Thị Thu Hằng với nội dung “phí tư vấn dự án khu thương mại và trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Bắc Bộ Ninh Hiệp”.

Sau đó, chủ tài khoản này chuyển lại 250 triệu đồng tiền mặt và chuyển khoản hơn 3,7 tỷ đồng cho Thành. Bị cáo rút tiền để chi tiêu cá nhân.

Khoảng 6 tháng sau, Thành tiếp tục nói dói với anh T. là có bút phê của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận chủ trương và quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500.

Thành yêu cầu anh này phải chuyển thêm 10 tỷ đồng để lo chi phí giai đoạn 2 của dự án. Anh T. yêu cầu Thành đưa văn bản nhưng Thành không đưa được. Anh T. nghi ngờ thông tin Thành cung cấp không chính xác nên kiểm tra lại và phát hiện Thành không phải là cán bộ nhà nước.

Tại cơ quan điều tra, Thành thừa nhận bản thân không có chức năng nhiệm vụ xin cấp phép dự án. Bị cáo đã nhờ người thuê đơn vị tư nhân lập bản vẽ dự án, chuyển bản vẽ cho anh T. xem để anh này tin tưởng.

MẤT TIỀN "HOA HỒNG" CHO DỰ ÁN ĐÓNG TÀU

Trước đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt Đặng Anh Đức (SN 1978, trú ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) mức án 8 năm tù; Nguyễn Tiến Phúc (SN 1979, ở phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) 7 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hồ sơ vụ án thể hiện, Đức từng là chuyên viên Bộ Công thương còn Phúc vốn làm nghề chữa bệnh đông y.

Trong khoảng năm 2021- 2022, Nguyễn Tiến Phúc với mục đích muốn được hưởng "hoa hồng" nên đã đưa ra thông tin không đúng về dự án đóng tàu của Bộ Quốc Phòng; đồng thời chủ động nhắn tin cho Đức chuyển hồ sơ của doanh nghiệp có nhu cầu đóng tàu để bị cáo này giúp. Phúc còn yêu cầu Đức chuyển chi phí để ông ta đi “quan hệ”, lo việc.

Xuất phát từ thông tin Phúc đưa ra và sự hứa hẹn của bị cáo này nên Đức đã trực tiếp trao đổi, giới thiệu với anh Phạm Bình M. (giám đốc một công ty xây dựng và xuất nhập khẩu quốc tế) về dự án đóng tàu của Bộ Quốc Phòng.

Theo thông tin các bị cáo đưa ra, Bộ Quốc Phòng có dự án đóng tàu vận tải xa bờ trọng tải từ 5.000- 10.000 tấn. Đức hứa hẹn giúp cho công ty của anh M. được ký hợp đồng đóng tàu cho Bộ Quốc Phòng.

Tin tưởng thông tin các bị cáo đưa ra, anh M. đã chuyển tổng số 930 triệu đồng cho Đức để nhờ bị cáo này giúp cho công ty của mình được đóng 2 tàu cho Bộ Quốc Phòng.

Hết thời hạn cam kết nhưng không thấy công ty của mình được ký hợp đồng đóng tàu nên tháng 9/2022, anh M. làm đơn gửi đến cơ quan công an tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo.

Cơ quan điều tra đã làm rõ, sau khi nhận tiền, Đức chuyển cho Phúc 230 triệu đồng để nhờ xin cho công ty của anh M. được đóng tàu và chuyển hơn 500 triệu đồng cho hai cá nhân để trả nợ. Số tiền còn lại, Đức dùng chi tiêu cá nhân hết.

Sau khi nhận hộ sơ và tiền từ Đức, Phúc không giúp được cho doanh nghiệp của anh M. ký hợp đồng đóng tàu cho Bộ Quốc Phòng nhưng cũng không trả lại tiền. Phúc còn tiếp tục hứa hẹn sẽ giúp được cho anh Minh.

Cơ quan tố tụng xác định, Phúc là người tạo tiền đề, điều kiện để Đức trao đổi, hứa hẹn và chiếm đoạt 930 triệu đồng của anh Minh. Do đó, hành vi của Phúc có vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án. Quá trình giải quyết vụ án, Phúc đã chuyển trả cho Đức 220 triệu đồng.

Thực tế cho thấy lừa đảo chạy dự án không phải là thủ đoạn mới song vẫn diễn ra phổ biến, trở thành chi phí không chính thức trong doanh nghiệp.

Điểm chung là các đối tượng đưa các thông tin gian dối về việc quen biết các lãnh đạo sở, ban ngành, có thể xin chủ trương chấp thuận đầu tư dự án. Có nhóm đối tượng chủ động tìm kiếm thông tin các khu đất vàng, tiếp cận chủ sở hữu để đặt vấn đề giải quyết các thủ tục pháp lý, hoàn thành hồ sơ đầu tư dự án theo nguyện vọng của chủ đất.

Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp, người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giao dịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate