October 31, 2023 | 08:09 GMT+7

Doanh nghiệp chuẩn bị đón “mùa vàng” tiêu dùng cuối năm

Lưu Hà -

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2023 và tiếp theo đó là đến Tết Nguyên đán 2024. Trong điều kiện xuất khẩu chưa vượt qua khỏi những khó khăn, việc kích thích sức mua xã hội, đẩy mạnh việc tăng doanh số ở thị trường nội địa là một điều tất yếu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

VÀO MÙA SẢN XUẤT HÀNG TẾT

Sau khi hoàn thành kế hoạch hàng hóa cho mùa Tết Trung Thu, bà Lê Hậu Phương, Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch rà soát lại nguồn hàng cũng như tập trung cho việc sản xuất hàng Tết. Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch tăng 30% sản lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán so với năm ngoái, dù người dân vẫn đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Tương tự, tại nhà máy sản xuất thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (quận Tân Phú), không khí sản xuất cũng đã nhộn nhịp ở tất cả các khâu. Những sản phẩm mới, tiện dụng với giá cả phải chăng được doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng tung ra thị trường.

Giám đốc khối hành chính - nhân sự Công ty Acecook Việt Nam Phạm Văn Nam phân trần rằng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng các sản phẩm tại doanh nghiệp hầu như chưa tăng giá; dịp Tết này, doanh nghiệp cố gắng đưa sản phẩm với giá cả tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Hiện, Acecook tiếp tục tung ra thị trường nhiều gói sản phẩm quà tặng tiện lợi như miến, mì ăn liền, viên canh ăn liền… Tổng lượng hàng hóa bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản ( VISSAN), chia sẻ hiện một số dây chuyền của doanh nghiệp đã “chạy” sản lượng cho cuối năm nay. Đại diện VISSAN cho biết công ty đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ. “Tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện dự trữ từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường”, ông Dũng cho hay.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch rà soát lại nguồn hàng cũng như tập trung cho việc sản xuất hàng Tết. 
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch rà soát lại nguồn hàng cũng như tập trung cho việc sản xuất hàng Tết. 

Trong khi đó, trước những biến động của thị trường, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, hàng loạt chi phí về nguyên vật liệu, vận chuyển, nhân công… có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp chọn phương án căn cứ vào diễn biến của thị trường để có kế hoạch sản xuất cụ thể, cân đối sản lượng phù hợp đối với từng mặt hàng.

Theo ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm, với thương hiệu mật hoa dừa Sokfarm tiêu thụ 95% sản phẩm ở thị trường trong nước, công ty chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm từ sớm và hiện vẫn đang điều chỉnh cho phù hợp. “Doanh nghiệp chú ý những báo cáo để xem thị trường cuối năm dịch chuyển như thế nào, đặc biệt là trong tình hình hiện nay và xu hướng của người tiêu dùng dịch chuyển ra sao, từ đó thiết kế bộ sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng dịp cuối năm”, ông Ngãi cho biết.

Theo các doanh nghiệp, giá cả hàng hóa cuối năm được xem là một ẩn số khó đoán, bởi gần đây giá các loại nguyên vật liệu đầu vào đều tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối chủ lực đều nhận định sẽ chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết gần đây nhiều nhà cung cấp có yêu cầu tăng giá sản phẩm vì nhiều chi phí đội lên. Tuy nhiên, Saigon Co.op chưa chấp nhận bởi sức cầu của thị trường yếu. Phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với nhà cung cấp, cùng nhau chia sẻ để có giá bán hợp lý với người tiêu dùng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết siêu thị cố gắng giữ giá, kể cả những mặt hàng thời gian qua biến động mạnh như gạo. Đồng thời, siêu thị tiếp tục tăng cường các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ nay tới Tết cho người tiêu dùng.

Đại diện siêu thị MM Mega Market cũng cho hay cuối năm sẽ còn nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua. Việc giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu là phương án được ưu tiên xuyên suốt, trong đó nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2023 phát hành ngày 30-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp chuẩn bị đón “mùa vàng” tiêu dùng cuối năm - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate