Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong các nhà máy sản xuất có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, khắc phục tình trạnh thiếu hoặc khan hiếm nhân sự như hiện nay, nhất là khi nhân công ngày càng ít và đắt thì chiến lược này cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, để công nhân lao động làm chủ dây chuyền công nghệ hiện đại đạt hiệu quả, các doanh nghiệp đã chú trọng đào tạo nghề và áp dụng các hình thức khen thưởng để người lao động nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc.
CUỘC ĐUA ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Dù mới đi vào hoạt động hơn một năm nay nhưng Công ty TNHH Topband Việt Nam (Đồng Nai) đã thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, trước thực trạng khó tuyển dụng lao động, Công ty đã lắp đặt các dây chuyền sản xuất tự động hóa CNC (máy tính điều khiển số), băng tải công nghiệp hoạt động tự động để tạo ra các sản phẩm có thông số kỹ thuật chính xác.
Ông Liao Shu Jiang, Giám đốc sản xuất Công ty cho hay: “Nếu như trước đây, một dây chuyền cần bốn công nhân làm việc thì giờ chỉ cần một công nhân đứng máy. Công việc dù nhẹ nhàng hơn trước nhưng đòi hỏi công nhân phải có kỹ thuật, kỹ năng để làm chủ các công nghệ hiện đại”.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cũng đang đẩy mạnh ứng dụng các dây chuyền tự động vào sản xuất. Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Trung Kiên Hà Nam (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Trước đây, để hoàn thành 100 sản phẩm, mỗi ngày phải cần đến 10 nhân công. Nhưng từ khi nhập máy móc hiện đại về, chỉ cần hai tiếng đồng hồ, một người điều khiển đã làm ra 100 sản phẩm. Việc đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại sẽ dẫn đến cắt giảm nhân công lao động, hạn chế tuyển người, hạn chế chi phí. Điều này cũng bớt cho chúng tôi nỗi lo mỗi khi không tuyển được nhân sự”, ông Kiên nói.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước tình trạng thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang phải tìm cách thích ứng, trong đó có giải pháp tăng tự động hóa. Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang, cho biết công ty đã thay thế một số khâu bằng máy móc hiện đại, chẳng hạn như ở khâu phân loại cá. Trước đây công nhân phải phân loại bằng tay thì hiện nay đã có những máy móc thay thế. Ngoài ra, các loại băng chuyền chuyên dụng được công ty đầu tư cũng đã nâng cao hiệu suất để thay thế việc làm của công nhân trước đây.
Nhiều doanh nghiệp phía Bắc cũng đã thực hiện chuyển đổi số để ứng phó với việc thiếu nhân sự. Tại Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa, Vĩnh Phúc), bên cạnh việc tuyển lao động mới, Ban lãnh đạo Công ty cũng đề ra chiến lược tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại hóa, trong đó tập trung mua sắm máy móc hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cho biết: “Trước kia, mỗi máy cắt vải thủ công phải bố trí từ ba đến bốn người thực hiện. Hiện chỉ cần một người cũng có thể điều khiển hàng chục chiếc máy cắt, chải vải cùng lúc. Bộ phận gấp, đóng gói cũng tương tự. Nhờ đó, công ty giảm được hàng trăm lao động thủ công”.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp thực phẩm cũng buộc phải thay đổi. Thời điểm trước dịch, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (Bắc Giang) duy trì từ 50 - 500 lao động. Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tuyển dụng nhân công, nhất là người làm thời vụ, rất khó khăn. Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động như: rửa nông sản, chạy quả, tách vỏ, lấy cùi và đóng gói… Hiện công ty đang chế biến ngô ngọt, dưa bao tử bằng công nghệ này nhằm đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu dịp cuối năm.
LUẬT CHƠI TRONG TƯƠNG LAI
Bà Carolyn Tuck, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022, rằng đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp thảo luận về chuyển đổi số. Trải qua hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, chuyển đổi số đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dù cho trong hoạt động dịch vụ công, trong hoạt động của các công ty hay thậm chí trong từng gia đình.
Nếu xem xét trên phương diện toàn quốc, bà Carolyn Tuck cho rằng tỷ lệ trung bình doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên nền tảng số hóa còn thấp hơn các nước khác trong khu vực. Như vậy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai mở.
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, không phải bây giờ mà cách đây hai năm, việc tuyển dụng lao động Việt Nam đã không còn rẻ và dễ dàng vì có sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI. Do đó, nếu không chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt từ việc tuyển dụng nhân sự, cạnh tranh sản phẩm, thương hiệu với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
“Luật chơi trong tương lai sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp lớn, nếu không chịu chuyển đổi số để cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí thì vẫn có thể có ngày phải dừng cuộc chơi hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp doanh nghiệp đàn em”, ông Điều nhấn mạnh.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cũng cho rằng hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, còn nhiều dư địa và cơ hội để doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ.
Hơn nữa, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ như: thiếu thông tin về công nghệ, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, các chuyên gia công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu; chưa có nhiều ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ (cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay); chưa có hướng dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ…
Các doanh nghiệp mong muốn tới đây Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp; bổ sung các quy định và hướng dẫn cụ thể về trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ… của doanh nghiệp cũng như bổ sung các ưu đãi đối với sản phẩm từ chuyển giao, đổi mới công nghệ; sớm hoàn thiện các quy định quản lý để doanh nghiệp được tham gia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế.