Mỗi năm Việt Nam đang phải chi 18 tỷ USD nhập khẩu thiết bị, máy móc, trong khi có không ít sản phẩm trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ, nếu không tập trung đầu tư cho ngành cơ khí phát triển thì sẽ mất thị trường trong nước và Việt Nam sẽ khó để đạt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Thưa ông, nguyên nhân vì sao chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đã được phê duyệt cách đây 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc?
Theo quyết định 186/QĐ-TTg , mục tiêu cụ thể của chiến lược ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 là đáp ứng 40-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, mục tiêu này cơ bản đã không đạt được, đến nay ngành cơ khí chỉ mới có thể đáp ứng được 20 - 25%.
Nguyên nhân là do trong những năm qua, việc đầu tư của ngành này thiếu tập trung, phân tán và không đồng bộ, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh làm đòn bẩy thúc đẩy toàn ngành. Việc hỗ trợ và phối hợp liên kết không thực hiện được cũng vì thiếu những chuyên ngành cơ khí cần thiết như các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao, khối lượng lớn, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến. Thiếu các doanh nghiệp trang bị máy gia công chế tạo thiết bị lớn, hiện đại trong nước. Các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thường gặp phải những thủ tục phiền hà, kéo dài và đặc biệt với lãi suất tín dụng đầu tư hiện nay là 11,4% không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Để tạo động lực thúc đẩy ngành cơ khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 10/2009/QĐ-TTg, trong đó có đề cập tới cơ chế, chính sách phát triển các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Liệu ngành cơ khí đã được “cởi trói”, thưa ông?
Chính từ sự bức bách trong phát triển của ngành cơ khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009-2015. Đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 9 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định này.
Tuy nhiên, mới có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng vay vốn là dự án đầu tư mở rộng chế tạo máy biến áp 220 kV và 500 kV của Công ty chế tạo thiết bị điện Đông Anh, Nhà máy sản xuất máy biến áp truyền tải 220 - 500 kV công suất đến 450 MW của Tập đoàn Hanaka, Dự án đầu tư Nhà máy chế tạo thiết bị của Công ty Lilama 69-3. Còn lại 6 dự án đều đang gặp vướng mắc về thủ tục và hồ sơ, chưa trình hồ sơ vay vốn tới Ngân hàng Phát triển.
Theo kế hoạch phát triển từ nay đến 2025, nhu cầu đầu tư các dây chuyền thiết bị công nghệ của một số ngành công nghiệp có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Ngành cơ khí sẽ phải làm gì để giành lấy thị trường này?
Từ nay đến 2025, Việt Nam cần đầu tư 88 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt lên đến 106 nghìn MW; thủy điện ước 2.100 MW; sản xuất alumin, tổng công suất sản xuất khoảng 15 triệu tấn. Theo tính toán, chỉ tính riêng phần đầu tư thiết bị cho dây chuyền công nghệ ở 3 ngành này đã xấp xỉ 100 tỷ USD. Nếu tính cả ngành công nghiệp hóa chất, máy xây dựng, thiết bị cho các ngành công nghiệp khác thì cần đầu tư cỡ 250 tỷ USD.
Căn cứ vào Quyết định 186 thì chúng ta sẽ phải tự sản xuất được khoảng 100 tỷ đến 125 tỷ USD hàng cơ khí trong các dây chuyền thiết bị. Đây là thị trường mà rất nhiều đối tác thèm muốn và cũng là thách thức vô cùng lớn đối với ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam.
Chính vì vậy, để giành được thị trường màu mỡ này, theo tôi, ngành cơ khí Việt Nam cần phải nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ với công nghệ tiên tiến, sản xuất được thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực thiết kế thiết bị toàn bộ, gắn kết có hiệu quả với công nghệ của toàn ngành công nghiệp. Đầu tư có trọng điểm thiết bị và công nghệ vào các khâu cơ bản như đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp.
Mới đây, Bộ Công Thương, VAMI và Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm phía Nam. Ông cho biết triển vọng của dự án này?
Dự án này do CNS làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn, được đặt tại Cụm công nghiệp Đa Phước, huyện Bình Chánh, Tp.HCM, trên tổng diện tích 30ha, có công suất được thiết kế với mức sản lượng sản xuất hàng năm là: 24.000 tấn thép đúc; 16.000 tấn gang đúc; rèn phôi thép 12.000 tấn; dập uốn thép tấm 15.000 tấn và công đoạn gia công cơ khí 3.000 tấn.
Đây là dự án rất cần cho ngành chế tạo cơ khí của Việt Nam hiện nay, phù hợp với Quyết định 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thị trường kể cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong hoàn cảnh các nước có xu hướng chuyển từ việc sản xuất sang mua bán sản phẩm đối với những sản phẩm sản xuất ở cơ sở trong nước họ chịu nhiều sức ép của Luật Bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate