Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM diễn ra mới đây, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ, chuyển đổi công nghiệp hiện nay phải dựa trên hai trụ cột chính: Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh. Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức cần phải nhận thức rõ về vai trò của AI trong quá trình này.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là động lực đột phá, thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng và toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các chuyên gia dự đoán rằng, AI sẽ đóng góp 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, giúp tăng năng suất lao động lên 40% vào năm 2035. Đặc biệt tại Việt Nam, AI được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 150 đến 200 tỷ USD vào GDP quốc gia vào năm 2030.
"Với những tiềm năng khổng lồ như vậy, tôi mạnh dạn đề xuất Chính phủ cần xây dựng một chiến lược Chuyển đổi AI dài hạn, tiến tới xây dựng một Chính phủ AI. Đồng thời, TP.HCM cũng cần được phát triển thành một 'AI City' – thành phố trí tuệ nhân tạo tiên phong. Tôi đề nghị rằng chúng ta đưa AI.X (Chuyển đổi AI) trở thành một sáng kiến không chỉ của TP.HCM, mà còn là sáng kiến của cả Việt Nam, nhằm khẳng định vị thế của đất nước trong thời đại kỹ thuật số”, ông Nguyễn Trung Chính đề xuất.
Để hiện thực hóa sáng kiến AI.X, ông Nguyễn Trung Chính đã đưa ra các kiến nghị cụ thể.
Thứ nhất là hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý. Theo đó, cần xây dựng các quy định pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho phát triển và ứng dụng AI trên quy mô toàn quốc, đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro trong quá trình triển khai AI, đặc biệt trong các lĩnh vực có tác động lớn như y tế, giáo dục, giao thông và tài chính.
Thứ hai là liên quan đến đào tạo và phát triển nhân lực AI, cần đưa AI vào chương trình giảng dạy từ các cấp học, từ phổ thông đến đại học, nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu và liên kết với các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao.
Thứ ba là xây dựng hạ tầng số và hệ sinh thái AI. Theo ông Nguyễn Trung Chính, để AI phát triển bền vững, cần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ bao gồm hạ tầng số, các trung tâm nghiên cứu, và kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp để thúc đẩy sáng tạo và hợp tác. Điều này đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật vững chắc và cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tài năng công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước.
Thứ tư là chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển AI. Ông Nguyễn Trung Chính kiến nghị, chính phủ cần thiết lập các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp sản xuất, y tế đến giáo dục và dịch vụ công. Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách đảm bảo an toàn việc làm và đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng cho việc ứng dụng AI, nhằm đặt con người ở trung tâm và tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài.
Hồi đầu năm nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hình thành được hệ sinh thái AI tại thành phố; thúc đẩy gia tăng 20%/năm số lượng các công trình khoa học, bằng độc quyền sáng chế hoặc quyền tác giả (đối với phần mềm) về AI hoặc ứng dụng AI tại thành phố. Thành phố cũng phấn đấu gia tăng 10% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp số phát triển, ứng dụng AI và gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI.
Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu tăng 10% nhân lực AI đạt chất lượng phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và ứng dụng AI phục vụ đời sống kinh tế, xã hội thành phố. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố đảm bảo 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức có ứng dụng AI phục vụ công tác quản lý nhà nước.
“Đầu tàu kinh tế" của cả nước cũng vừa tổ chức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) TP.HCM tại Khu Công nghệ cao, Thành phố Thủ Đức với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tại buổi lễ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, quốc tế đã cùng thảo luận về tiềm năng phát triển của trung tâm và cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các dự án công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra không gian kết nối sáng tạo, thu hút nguồn lực toàn cầu cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trung tâm C4IR sẽ tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, đề xuất chính sách và chuyển giao công nghệ, tạo ra các hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu hướng của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những lĩnh vực công nghệ mà trung tâm sẽ hướng tới bao gồm vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT, và nhiều lĩnh vực khác.Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn, trung tâm C4IR được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển bền vững cho TP.HCM và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho cả nước.