Nhựa là một trong những ngành công nghiệp với mức tiêu hao năng lượng và phát thải lớn tại Việt Nam. Trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 55 kg nhựa mỗi năm. Khối lượng sử dụng nhựa lớn cùng với việc sản xuất đặc thù đã khiến ngành nhựa gặp nhiều khó khăn trong việc giảm phát thải lượng carbon.
Trong khi Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn với cam kết phát thải ròng bằng 0, trong đó có ngành nhựa, nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI đã hỗ trợ cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp để hướng đến mục tiêu chung quốc gia.
NGÀNH NHỰA GẶP KHÓ KHĂN TRONG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG XANH
Theo thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) Việt Nam có trên 3.300 doanh nghiệp nhựa với 250.000 người lao động. Trong năm 2022, sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt xấp xỉ 25,18 tỷ USD, tăng 5,68% so với cùng kỳ.
Nhiều chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho ngành nhựa đã được triển khai. Có thể kể đến như chương trình VNEEP3 (2019 - 2030) đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa từ 18 - 22% giai đoạn đến năm 2025 và từ 21 - 24% giai đoạn đến năm 2030.
Tuy nhiên, nhựa hiện đang là ngành gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng năng lượng sạch giúp giảm phát thải lượng carbon. Khảo sát của VPA cho thấy, hiện mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp ngành nhựa còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp nộp báo cáo khoảng 50%, tỷ lệ đạt định mức tiêu hao năng lượng khoảng 38% và tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng khoảng 22%.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng sạch nhằm giảm phát thảicarbon, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin hoặc không quan tâm đến thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa.
Các sản phẩm nhựa đa dạng về chủng loại, kích thước hoặc nguyên liệu gây khó khăn trong việc định mức tiêu hao năng lượng chính xác, đặc biệt ở các nhà máy có nhiều dòng sản phẩm khác nhau.
“Ngành nhựa cần tuân thủ những nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, phải thu gom, tái chế và có những giải pháp đáp ứng được các yêu cầu quốc tế. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn trong việc giảm phát thải carbon đối với ngành nhựa chính là số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa nhỏ chiếm đến hơn 90%.
Việc đầu tư những thiết bị và kỹ thuật hiện đại cho việc sản xuất và sử dụng năng lượng xanh là vấn đề khó khăn về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp này.Cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng như sự đầu tư từ chính doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ”, bà Mỹ nhấn mạnh.
HỢP TÁC ĐỂ CÙNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong bối cảnh Việt Nam đang “chạy đua” với cách mạng xanh hóa nền kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI khi tham gia thị trường Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu này như “kim chỉ nam” trong chiến lược phát triển bền vững.
Trong hành trình hướng đến mục tiêu đề ra, những sáng kiến về việc giảm phát thải carbon của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được đầu tư và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Mới đây, vào ngày 26/3 vừa qua, 9 dự án carbon thấp tại Việt Nam đã được chọn để tham gia “Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu” (CFA) của Chính phủ Anh, trị giá 11.8 triệu bảng Anh.
Các lĩnh vực được lựa chọn trong giai đoạn đầu như năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), phi carbon hóa trong ngành xây dựng, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải,... là những ngành có tiềm năng mang lại lợi ích cho cộng đồng trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
“Các dự án thú vị và sáng tạo được chọn tham gia CFA Việt Nam nhấn mạnh tiềm năng to lớn của khu vực tư nhân Việt Nam trong việc giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu. Kiến thức chuyên môn được chia sẻ với các dự án này sẽ giúp họ tiến gần hơn đến việc tìm kiếm nhà đầu tư, từ đó sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon ở các cộng đồng trên toàn quốc”, ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh.
Trong vai trò là một trong những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ông Kevin Doak, Tổng giám đốc Ngành hàng Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng của Sanofi Việt Nam cho biết, trong hơn 3 năm qua việc phát triển kinh tế của Sanofi luôn hướng tới việc trung hòa carbon vào năm 2025.
Chiến lược này được cụ thể hóa thành nhiều hoạt động triển khai tại Việt Nam với nhiều kết quả cụ thể như: Giảm thiểu 16 tấn rác thải nhựa/năm, giảm 500 tấn rác thải giấy/năm, giảm 58 tấn PVC, lõi aluminum và chất thải vỉ/năm. Sanofi cũng đẩy mạnh công tác tái chế nước thải công nghiệp, thu gom nước mưa trong bể lớn và tận dụng cho nhiều hoạt động khác, lắp đặt giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng điện… cùng nhiều dự án thiết thực khác.
Cũng theo ông Kevin Doak, hiện tại nhà máy sản xuất của Sanofi đã dừng việc sử dụng sản phẩm từ nhựa tích trữ nước mưa để sản xuất. Thay vào đó, Công ty đã sử dụng vỏ trấu để tái tạo thành nguồn năng lượng xanh, sạch.
Tương tự như Sanofi, tập đoàn DKSH cũng xem phát triển bền vững là một trong những giá trị cốt lõi nhằm góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để làm được điều này, DKSH đã và đang thực hiện các dự án khác nhau nhằm tối ưu và “xanh hóa” các quy trình vận hành của doanh nghiệp nhằm xây dựng một hành tinh xanh hơn cho tất cả mọi người. Tập đoàn này đã giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính so với mức cơ sở vào năm 2020, và mục tiêu giảm 35% vào năm 2025.
Không chỉ nỗ lực giảm thiểu carbon, DKSH và Sanofi còn hợp tác cùng nhau để phát triển bền vững. Thông qua hợp tác này, DKSH giúp Sanofi tập trung hơn vào công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm cũng như hoạch định chiến lược, hướng đến sự tăng trưởng bền vững. Cụ thể là đưa doanh thu của sản phẩm tăng gấp 20 lần và trở thành một trong những sản phẩm được yêu thích nhất tại Việt Nam liên tục 10 năm, bắt đầu từ năm 2013.