Điều đáng nói là, trong số các chủ đầu tư vừa công khai giảm giá, có không ít doanh nghiệp đã từng phản đối kịch liệt chuyện giảm giá bán cách đây chưa lâu.
Không thể “chém gió” mãi
Cuối tuần qua, Công ty Cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest) - chủ đầu tư dự án Nam Đô Complex (Trương Định, Hà Nội) đã công bố giảm giá bán căn hộ từ 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Không chỉ là giảm cho khách mới, tất cả các khách hàng cũ đã ký hợp đồng mua căn hộ và đang đóng tiến theo tiến độ cũng được chủ đầu tư giảm giá tương ứng. Giá căn hộ tại dự án này hiện chỉ còn ở mức 20 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, đây không còn là việc giảm giá âm thầm hay “đi đêm” với khách hàng, chiết khấu, khuyến mại…, như họ và một số chủ đầu tư khác từng áp dụng trong thời gian qua.
Ngoài Nam Đô, một số chủ đầu tư khác mới đây cũng chính thức công khai thông tin về việc giảm giá bán.
Thay vào đó, một buổi gặp gỡ báo chí để công bố thông tin bất đắc dĩ trên đã được doanh nghiệp này tổ chức khá long trọng.
Sự kiện này được cho là khá bất ngờ không chỉ đối với các khách hàng mà ngay cả với báo giới, bởi cách đây chừng vài tháng, chính vị Chủ tịch của GP Invest là ông Nguyễn Quốc Hiệp đã kịch liệt “ném đá” khi chủ dự án Đại Thanh công bố giảm giá bán căn hộ có cùng phân khúc với chủ đầu tư Nam Đô.
Còn nhớ, khi đó, ông Hiệp đã khẳng định rằng, giá bất động sản ở mức như hiện nay (tại thời điểm đó) là đã sát giá thành, không thể giảm thêm được nữa. Do đó, với một số doanh nghiệp giảm giá, đặc biệt giảm mạnh như dự án Đại Thanh, thì ông Hiệp cho rằng, đó chỉ là đi phá thị trường và làm hại các doanh nghiệp khác.
Nhưng đúng là không ai nói trước được điều gì, khi hàng trăm căn hộ tại dự án Nam Đô vẫn đang ứ đọng, nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án lại không còn nhiều. Động thái giảm giá bán căn hộ xem ra là hữu hiệu nhất đối với không chỉ chủ dự án Nam Đô mà còn cho rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, bởi hàng loạt kiến nghị về giảm, giãn thuế… hiện vẫn còn trong dự thảo, hơn nữa, dù có được hỗ trợ đầu vào, thì việc khơi thông đầu ra vẫn là liều thuốc bổ nhất với các doanh nghiệp vào lúc này.
Ngoài Nam Đô, một số chủ đầu tư khác mới đây cũng chính thức công khai thông tin về việc giảm giá bán. Đơn cử như dự án Westa (Mỗ Lao, Hà Đông), chủ đầu tư cũng đưa ra chính sách bán với giá mới chỉ từ 16,7 triệu đồng/m2 (đã có VAT và 2% phí bảo trì). Trước đó, vào tháng 8/2012, chủ đầu tư là Công ty Coma 18 đã một lần điều chỉnh giá bán các căn hộ còn lại của dự án này còn 17,9 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư dự án chung cư hỗn hợp Chợ Mơ (Vinaconex) cũng đã công bố giảm giá khoảng 3 triệu đồng/m2 trong đợt mở bán cuối, xuống còn 25 triệu đồng/m2…
“Tự cứu” hơn là “được cứu”
Theo lý giải của chủ đầu tư dự án Nam Đô, thì việc giảm giá bán căn hộ nhằm mục đích tăng thanh khoản cho dự án, cho thị trường. Muốn vậy, phải có sự vào cuộc từ cả hai phía cung và cầu.
Trên thực tế, theo quan sát của VnEconomy, sau động thái giảm giá của dự án Nam Đô và một số dự án khác nói trên, thanh khoản của thị trường địa ốc Hà Nội dường như vẫn chưa cải thiện được nhiều. Nguyên nhân, theo phản ánh của số đông khách hàng vẫn là tâm lý chờ đợi, nghe ngóng, ngay cả đối với những người đang có nhu cầu tìm một căn hộ để ở. Đặc biệt là sau hàng loạt tuyên bố của cơ quan quản lý, Chính phủ với “lời hứa” sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.
Còn với giới đầu tư, theo một số nhìn nhận, đây vẫn chưa phải là thời điểm để họ quay trở lại thị trường. Một phần vì dòng vốn đã cạn kiệt, cùng với đó là niềm tin vào thị trường có thể đi lên và khởi sắc trong tương lai gần dường như vẫn khá mơ hồ, nên phương án mà họ chọn lựa tối ưu vẫn là “bất động”.
Chia sẻ với các doanh nghiệp bất động sản mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã “tư vấn” rằng, trong khi chờ các chính sách của nhà nước thì doanh nghiệp phải “tự cứu mình trước” bằng cách giảm giá bán căn hộ, cơ cấu lại sản phẩm, nhân lực, tài chính…
Cũng theo ông Dũng, trong thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân, giá nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn tăng cao, vượt quá khả năng của phần lớn người dân có nhu cầu mua nhà để ở. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, thông qua các quyết định, nghị định, nghị quyết về thị trường bất động sản đã và sắp ban hành sẽ góp phần kéo giá nhà xuống, phù hợp với thu nhập của người dân hơn.
Nhà
vẫn không bán được thì dù có hỗ trợ tiền thuế, cho nộp tiền sử dụng đất
chậm… thì doanh nghiệp vẫn bế tắc. Vấn đề lúc này là chúng ta phải cân
bằng lại quan hệ cung - cầu mới, tạo ra một mặt bằng giá mới, giúp người
dân dễ dàng tiếp cận được với bất động sản nhiều hơn. TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo phát triển mạnh phân khúc nhà xã hội, nhà thu nhập thấp… nhằm tháo gỡ, giải quyết khó khăn về chỗ ở, dự kiến cho hàng triệu người trong 3 - 5 năm tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý, ngay cả khi được nhà nước hỗ trợ, giải cứu thì giá nhà ở thương mại cũng không thể thấp hơn các phân khúc nhà xã hội được.
Đối với Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, TS. Phạm Sỹ Liêm, việc giảm giá căn hộ chính là liều thuốc đặc trị cho doanh nghiệp bất động sản vào lúc này. Bởi theo ông, tất cả những giải pháp mà Chính phủ “hứa” vừa qua chỉ là giúp bên cung, tức là hỗ trợ chủ yếu cho các chủ đầu tư. Trong khi đó, nguyên nhân khiến cho thị trường đóng băng như hiện nay chính là bên cầu, tức khách hàng, chứ không phải tiền thuế, hay tiền sử dụng đất…
“Nhà vẫn không bán được thì dù có hỗ trợ tiền thuế, cho nộp tiền sử dụng đất chậm… thì doanh nghiệp vẫn bế tắc. Vấn đề lúc này là chúng ta phải cân bằng lại quan hệ cung - cầu mới, tạo ra một mặt bằng giá mới, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được với bất động sản nhiều hơn. Còn chuyện đề xuất mua nhà để tái định cư, mua nhà cho người thu nhập thấp…, tất cả cách đó chung quy là lấy tiền nhà nước, nhưng chắc chắn ngân sách thì cũng có hạn, chỉ giúp một phần, chưa thể cứu nổi thị trường bất động sản”, TS. Liêm nói.