June 28, 2021 | 18:37 GMT+7

Doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc: Chuẩn bị kỹ để phục hồi

Tuệ Mỹ -

Do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp du lịch và nhà hàng, khách sạn gặp khó...

Hè 2021 được các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc kỳ vọng là "cơ hội vàng" để vực dậy hoạt động sau thời gian dài chịu tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19. Thế nhưng, khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, dịch tái bùng phát trên địa bàn tỉnh và nhiều địa phương trên cả nước với những diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn, khiến các doanh nghiệp này tiếp tục gặp khó khăn.

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI KHÓ KHĂN

Đơn cử như đơn vị Cáp treo Tây Thiên của Công ty cổ phần Lạc Hồng - Tây Thiên, tính đến giữa tháng 6/2021, doanh thu của đơn vị sụt giảm tới 80% so với năm 2019. Bà Đặng Thị Thu Trang, Giám đốc đơn vị cho biết: gần 2 tháng qua, dịch Covid-19 tái bùng phát khiến đơn vị tiếp tục phải đóng cửa và cho 80 nhân viên nghỉ việc tạm thời. Như vậy đồng nghĩa với việc không có doanh thu trong khi doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra chi phí lớn để thực hiện công tác phòng dịch, bảo dưỡng cơ sở vật chất, đóng bảo hiểm xã hội và trả lương tối thiểu cho người lao động.

Tương tự, trong tháng 5 và tháng 6/2021, nhiều doanh nghiệp du lịch của tỉnh đã phải hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí... Flamingo Đại Lải resort giảm 60%; FLC Vĩnh Thịnh resort 65%; một số đơn vị tại thị trấn Tam Đảo, khách sạn ở khu vực Đại Lải phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Ngoài các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm du lịch đều ghi nhận sụt giảm khoảng 70% công suất so với trước khi dịch xảy ra.

Tính đến giữa tháng 6/2021, doanh thu của Cáp treo Tây Thiên sụt giảm tới 80% so với năm 2019.
Tính đến giữa tháng 6/2021, doanh thu của Cáp treo Tây Thiên sụt giảm tới 80% so với năm 2019.

Cũng bởi ảnh hưởng của dịch Covid 19, một số chính sách kích cầu du lịch theo Kế hoạch của Sở VH, TT&DL nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 đến nay chưa được triển khai thực hiện như: Chương trình Khai mạc mùa du lịch năm 2021; Chương trình Famtrip cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh; Chương trình xúc tiến du lịch tại Tp.HCM, tỉnh Kiên Giang đều bị hoãn lại...

NHỮNG KẾ HOẠCH KÍCH CẦU

Từ 0h ngày 26/6, tỉnh Vĩnh Phúc mở cửa trở lại một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể, các khách sạn được đón khách và tổ chức các dịch vụ kèm theo (trừ massage và karaoke). Sân golf được đón khách ngoài tỉnh. Khách du lịch đến Vĩnh Phúc phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc xác nhận âm tính Covid-19 trong thời hạn 5 ngày.

 
Trong tháng 5 và tháng 6/2021, nhiều doanh nghiệp du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc đã phải hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí...

Theo ông Nguyễn Xuân Nhâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, khách nội địa vẫn là đối tượng phục vụ chính trong thời điểm này, do vậy tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến du lịch; có sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng; có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị quản lý nhà nước về du lịch và các hiệp hội, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch; Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các khu du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch tại Vĩnh Phúc đều cho rằng, kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới chủ yếu là chương trình kích cầu nội địa với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), các doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch sẽ triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với các địa phương trong cả nước, trong đó, phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, hiệp hội du lịch nhằm xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng.

Hy vọng với những nỗ lực kích cầu du lịch, các doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại một cách an toàn, hiệu quả, nhanh chóng phục hồi doanh thu.
Hy vọng với những nỗ lực kích cầu du lịch, các doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại một cách an toàn, hiệu quả, nhanh chóng phục hồi doanh thu.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo, Vĩnh Phúc có dư địa lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch Vĩnh Phúc phát triển bền vững, cần phải tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường , xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số; phát triển thêm nhiều sản phẩm như: du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá...

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các khu du lịch cũng được nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư để hạ tầng đồng bộ, môi trường cảnh quan hấp dẫn khách du lịch và đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp phục vụ du khách.

Năm 2021, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu thu hút 6,7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt trên 2.000 tỷ đồng. Hy vọng với những nỗ lực kích cầu du lịch cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh sẽ hoạt động trở lại một cách an toàn, hiệu quả, nhanh chóng phục hồi doanh thu, nhất là trong những tháng cao điểm mùa du lịch 2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate