Khi nhắc đến công ty gia đình, nhiều người nghĩ ngay đến một công ty quy mô nhỏ, nhiều người trong cùng gia đình hay dòng họ điều hành công ty, có những cuộc tranh giành quyền lực hay quyền thừa kế… và ít được người lao động tín nhiệm khi chọn lựa nơi làm việc.
Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược, Công ty gia đình hiện đang có lợi thế cạnh tranh lớn khi điểm tín nhiệm cao hơn 12% so với các doanh nghiệp khác.
THÍCH NGHI NHANH VỚI SỰ THAY ĐỔI
Theo ông Peter Bartels, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình toàn cầu, PwC Germany, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất tại khu vực châu Á. Doanh nghiệp tư nhân và gia đình đóng vai trò quan trọng trong GDP của Việt Nam.
Khảo sát mới nhất về Doanh nghiệp Gia đình 2023 của PwC (thực hiện với 2.043 chủ doanh nghiệp ở 82 vùng lãnh thổ, trong đó có 36 đại diện doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam) cho thấy các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có kết quả tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022. Trong đó có hơn 53% doanh nghiệp báo cáo sự tăng trưởngvề doanh số, 36% doanh nghiệp cho biết họ đạt được mức tăng trưởng hai con số.
Tuy nhiên, doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang bắt đầu điều chỉnh tham vọng tăng trưởng của mình trong bối cảnh kinh tế hiện tại có nhiều bất ổn. Chỉ khoảng 14% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm tới.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Đồng sáng lập, Giám đốc Lãnh đạo - Văn hóa, Công ty Newin, cho biết, doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần tập trung thực hiện những mục tiêu ngắn hạn. Việc thực hiện mục tiêu ngắn là những bước đệm để thực hiện mục tiêu xa hơn. “Phải kết hợp thực hiện cùng lúc cả hai mục tiêu này để có thể thích nghi với sự thay đổi của nền kinh tế”, bà Giang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thương vụ PwC Việt Nam, cho biết, những công ty gia đình tại Việt Nam nên xây dựng “sắc màu” riêng về giá trị của bản thân. Thu nhập về lợi nhuận nhưng vẫn phải đảm bảo được tính bền vững, phần lớn các doanh nghiệp tập trung mục tiêu ngắn hạn, cần ưu tiên nhiều hơn vào mục tiêu dài hạn.
Sở dĩ các doanh nghiệp gia đình có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác là do họ ngày càng tạo được niềm tin với khách hàng, thích nghi nhanh với sự thay đổi của thị trường.
Mặt khác, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện cũng đã ưu tiên cải thiện năng lực kỹ thuật số và tái tư duy hoạt động kinh doanh, cân nhắc việc thay đổi và điều chỉnh mô hình kinh doanh với ưu tiên hàng đầu là mở rộng sang các thị trường mới trong những năm tới.
CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ NIỀM TIN VỚI KHÁCH HÀNG
Trong giai đoạn hiện nay niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp đang dần bị lung lay. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dùng niềm tin của khách hàng để chuộc lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của thương mại địện tử, hoạt động mua bán không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn mua bán trên mạng thông qua các nền tảng số được thiết lập.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp gia đình, mức độ tin tưởng cao đã và đang là một lợi thế cạnh tranh quan trọng giúp họ trở nên khác biệt với các doanh nghiệp khác. Báo cáo đo lường mức độ tín nhiệm của Edelman cho thấy điểm tín nhiệm của các doanh nghiệp gia đình cao hơn 12% so với các doanh nghiệp khác nói chung.
Tương tự, khảo sát toàn cầu của PwC cũng cho thấy yếu tố chủ chốt trong việc xây dựng niềm tin, đảm bảo sự phát triển và thành công trong tương lai của doanh nghiệp gia đình chính là khách hàng, chiếm 75%; kế đến là nhân viên với 61% và nhà đầu tư 61%. Trong khi niềm tin của các thành viên trong gia đình bị xem là ít quan trọng nhất, chỉ với 28%.
Theo ông Jonathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình, PwC Việt Nam, các doanh nghiệp gia đình đã nhận thức rằng niềm tin là tài sản quý giá, là nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp và là điểm khác biệt quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh hiện nay.
“Không chỉ thực hiện những thay đổi có tính chất chuyển đổi để xây dựng niềm tin, các doanh nghiệp gia đình cần phải thể hiện các giá trị của mình thông qua những nỗ lực cụ thể và truyền đạt một cách rõ ràng với các bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhân viên, thành viên gia đình và cả công chúng nói chung”, ông Jonathan Ooi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Peter Bartels cũng cho rằng yếu tố niềm tin đứng thứ hai về tầm quan trọng đối với doanh nghiệp chỉ sau yếu tố thị trường. Các doanh nghiệp cần lắng nghe sự phản hồi của khách hàng trong việc xây dựng củng cố niềm tin. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh truyền thông, mức độ minh bạch cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Theo PwC, hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất có đạo đức, bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp gia đình đang cần tập trung vào thế mạnh của mình để thích nghi và phát triển, việc xây dựng niềm tin với các bên liên quan là cần thiết.
Trong khi đó, dưới góc độ là một doanh nghiệp gia đình lâu đời tại Việt Nam, bà Kao Huy Phương, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Barkery) cho biết, không chỉ niềm tin đối với khách hàng, niềm tin trong nội bộ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Ngoài ra, việc xây dựng niềm tin vào những thị trường quốc tế khó như Nhật Bản, các quốc gia châu Âu,… đòi hỏi sự kiên trì của các doanh nghiệp gia đình. Không chỉ để khách hàng tin tưởng vào sản phẩm của công ty mà còn phải tin tưởng người tạo ra sản phẩm.