January 06, 2022 | 08:54 GMT+7

Doanh nghiệp gia đình xác định mục tiêu trong hành trình chuyển đổi số

Tuấn Sơn -

Nền kinh tế số mang lại không ít cơ hội cũng như thách thức về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro, làm sao cho các hoạt động từ vận hành, kinh doanh, đầu tư trong kỷ nguyên số được an toàn và hiệu quả...

Doanh nghiệp gia đình xác định mục tiêu trong hành trình chuyển đổi số - Ảnh 1

Nền kinh tế số mang lại không ít cơ hội cũng như thách thức về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro, làm sao cho các hoạt động từ vận hành, kinh doanh, đầu tư trong kỷ nguyên số được an toàn và hiệu quả. Theo Khảo sát doanh nghiệp gia đình 2021 của PwC, chỉ có 9% tin rằng doanh nghiệp của họ đã hoàn thành công cuộc chuyển đổi số, trong khi 81% cho rằng chặng đường này của họ vẫn còn dài.

Nhân dịp này, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc và Giám đốc Kỹ thuật số, PwC Việt Nam, đã chia sẻ về hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình, hiện vẫn gặp khó khăn trong việc bắt đầu hành trình chuyển đối số. Theo ông, doanh nghiệp gia đình nên bắt đầu như thế nào để thực hiện chuyển đổi số?

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp thử nghiệm các chiến lược chuyển đổi số mới để tiếp cận và phục vụ khách hàng, thay đổi mô hình làm việc và vận hành nhằm thích ứng. Chúng ta có thể nói chắc chắn một điều rằng những điều tưởng chừng còn mơ hồ về tác động của công nghệ số thì này đã trở thành hiện thực từ giai đoạn cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Các dịch vụ số hóa đã trở thành tiêu chuẩn chỉ sau một thời gian ngắn, và các doanh nghiệp có các năng lực số cao sẽ vượt trội hơn các doanh nghiệp đang cố gắng bắt kịp với xu thế. Theo kết quả Khảo sát doanh nghiệp gia đình Toàn cầu 2021 của PwC, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp có năng lực số cao đạt kết quả tích cực như hoạt động kinh doanh tốt hơn trước, trong và sau đại dịch; khả năng tiếp cận thông tin kịp thời và chính xác để ra quyết định; thông tin cũng được truyền đạt thông suốt minh bạch giữa các thành viên trong gia đình hơn; đặc biệt, các doanh nghiệp này cũng có mối ưu tiên về phát triển bền vững cao hơn.

Theo tôi, khi bắt đầu xây dựng luận chứng kinh tế để thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp gia đình cần xác định các ưu tiên và mục tiêu kinh doanh lâu dài, cụ thể để xây dựng lộ trình và chuẩn bị nguồn lực thích hợp với từng doanh nghiệp.

Ông đã nhắc đến tốc độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp toàn cầu. Xin ông chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo hoạt động kinh doanh dành cho các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam?

Kết quả cuộc Khảo sát CEO toàn cầu 2021 của chúng tôi chỉ ra gần một nửa số lãnh đạo doanh nghiệp có kế hoạch tăng từ 10% trở lên cho đầu tư dài hạn vào chuyển đổi số. Khảo sát doanh nghiệp gia đình toàn cầu 2021 cũng cho thấy việc tăng cường sử dụng các công nghệ mới đồng thời cải thiện năng lực kỹ thuật số của doanh nghiệp đều nằm trong nhóm năm ưu tiên hàng đầu trong vòng 2 năm tới. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã dần tăng tốc đầu tư kỹ thuật số cho tương lai.

Với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số trở thành chìa khóa cho sự sống còn của doanh nghiệp trên toàn thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp gia đình toàn cầu đã thể hiện sự linh hoạt, xoay chuyển nhanh chóng để thích ứng với thay đổi. Vài ví dụ có thể kể đến là tập đoàn Grupo Cobega đã ứng biến bằng cách chuyển qua hình thức kinh doanh trực tuyến từ 10% lên đến 80% trong chưa đầy 4 tháng; hay công ty Vận tải và Thương mại Đan Mạch (UTSC), công ty con của tập đoàn Selfinvest, có thể nhanh chóng kết nối các văn phòng của mình tại 95 quốc gia và đảm bảo hoạt động nhờ đầu tư chuyển đổi số ngay trước đại dịch.

Theo ông, những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện nay là gì?

Một trong những thách thức chính trong hành trình chuyển số của doanh nghiệp gia đình là sự thiếu hụt về năng lực số. Kết quả cuộc Khảo sát doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2021 của chúng tôi cho thấy chỉ 30% các doanh nghiệp này tự tin vào năng lực số của mình. Một điểm quan trọng cần lưu ý rằng khái niệm “năng lực số” vẫn thường bị hiểu sai.

Năng lực số của doanh nghiệp không chỉ là ‘phần cứng’ mà là tổng hợp nhiều năng lực khác như quy trình thu thập và quản lý dữ liệu, khả năng phân tích và đưa ra các giải pháp dựa trên dữ liệu, cũng như khả năng bảo mật. Sự nhầm lẫn đối với khái niệm này đã khiến nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư vào các dự án công nghệ quy mô lớn và bỏ quên các năng lực số khác, dẫn đến những giải pháp kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng từ khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cũng gặp thách thức do tư tưởng ngại thay đổi trong tổ chức. Giống như các cuộc cải cách lớn, doanh nghiệp thường vấp phải phản kháng từ các bên liên quan. 67% trả lời rằng thách thức lớn nhất trong việc triển khai chuyển đổi số đến từ tâm lý ngại thay đổi trong công ty. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với câu trả lời của các doanh nghiệp từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (30%) và toàn cầu (29%). Vì vậy, kiến tạo văn hóa doanh nghiệp phù hợp, thúc đẩy sáng tạo và tăng cường đầu tư vào năng lực số sẽ là chìa khóa thành công để doanh nghiệp gia đình chuyển đổi và phát triển.

Đối với các doanh nghiệp gia đình, văn hóa tổ chức thực chất là văn hóa của người đứng đầu Gia đình và đội ngũ xây dựng và dẫn dắt doanh nghiệp gia đình từ lúc sơ khai. Các doanh nghiệp gia đình cần xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Vẫn là những giá trị đó, tầm nhìn sứ mệnh và triết lý đó nhưng được lãnh đạo doanh nghiệp gia đình xây dựng thành hệ giá trị - có hệ thống các cấp được văn bản hóa đảm bảo thể hiện được "ADN" văn hóa của từng doanh nghiệp gia đình. Từ đó, gắn yếu tố văn hóa đổi mới vào các hoạt động, chương trình và tiêu chí đánh giá của doanh nghiệp, đưa vào thành các chương trình và tiêu chí đánh giá, bổ nhiệm cán bộ dựa trên mức độ trưởng thành về văn hóa doanh nghiệp bên cạnh yếu tố chuyên môn.

Doanh nghiệp gia đình cũng cần tận dụng và phát huy thế hệ kế nghiệp và các nhân tài tuyển bên ngoài vào để làm tác nhân thay đổi quan trọng trong tổ chức. Đây là thế hệ trẻ có thể đón nhận và am hiểu các tiến bộ công nghệ tốt, có khả năng tận dụng triệt để những cơ hội mà công nghệ mang lại.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hữu ích trên!

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate