Ngày 21/7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho lao động đi làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến giữa Hà Nội - Đồng Tháp - Quảng Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho rằng phiên giao dịch việc làm là cơ hội cho người lao động nói chung, cũng như lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước có được cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình, nhằm ổn định cuộc sống.
Phiên giao dịch việc làm có sự góp mặt của 53 đơn vị đăng ký tham gia tại 3 đầu cầu Hà Nội – Quảng Nam – Đồng Tháp với tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 10.910 chỉ tiêu. Đặc biệt có 31 đơn vị có vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như: Phiên dịch viên, nhân viên kỹ thuật cơ khí, thợ vận hành máy, lắp ráp linh kiện điện tử…với các mức lương hấp dẫn, từ 5 – 25 triệu đồng.
Theo ông Khánh, những năm qua đã có hơn 100.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo Chương trình EPS và IM Japan về nước. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người lao động.
Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, những người lao động này không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý hai quốc gia phát triển, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ được, những lao động EPS và IM Japan sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn có nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình. Điều này trở thành một trong những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Do vậy, việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng.
Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tổng số 53 doanh nghiệp tham gia, riêng tại sàn việc làm Hà Nội có sự tham gia của 37 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: Nhân viên kỹ thuật, phiên dịch, thợ vận hành máy, nhân viên sản xuất….Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản với nhu cầu tuyển dụng đa dạng cùng mức lương hấp dẫn.
Với 7 doanh nghiệp tham gia tại Sàn giao dịch việc làm Quảng Nam tập trung các nhu cầu tuyển dụng ở các ngành nghề như: Giày da, cơ khí, may mặc…Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như: Công ty TNHH MTV Panko có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân may mặc và không yêu cầu cao về tay nghề, đây là cơ hội lớn cho lực lượng lao động phổ thông trên địa bàn, cũng như các tỉnh, thành phố lân cận.
Tại Sàn giao dịch việc làm Đồng Tháp, có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí việc làm lớn dành cho lao động đã có tay nghề như: Công nhân may, công nhân lắp ráp điện tử, công nhân giày da...với mức lương hấp dẫn đang chờ đón ứng viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi ứng viên phải chăm chỉ, nhanh nhẹn, chịu được áp lực, có trách nhiệm với công việc và ý thức cầu tiến.