Một mùa báo cáo bán niên nữa lại trôi qua. Như thường lệ, thị trường tiếp tục chứng kiến sự thay đổi lớn về lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết sau khi các đơn vị kiểm toán vào cuộc.
Có chăng, sự khác biệt của năm 2022 là số vụ việc nổi bật nhiều hơn. Bởi trước đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
LỢI NHUẬN "BỐC HƠI" SAU SOÁT XÉT
Nói đến các vụ việc tiêu biểu của “xào nấu” báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022 chắc chắn phải nhắc tới Tổng Công ty Phát triển Kinh Bắc (KBC) . Sau soát xét, lợi nhuận của doanh nghiệp từ 2.457 tỷ đồng sụt xuống còn 200 tỷ đồng, tức giảm 92%.
Trong báo cáo tự lập, “nhà tài trợ” cho khoản lãi khủng là khoản “thu nhập khác”. Đây là phần chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% của công ty với Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng.
Trước đó, công ty Kinh Bắc chỉ phải bỏ ra 96 tỷ đồng để mua 9,6 triệu cổ phần của Công ty Sài Gòn – Đà Nẵng, tương đương tỷ lệ sở hữu 48%. Sau đó, KBC đã xác định giá trị của 9,6 triệu cổ phần này là 2.493 tỷ đồng, qua đó ghi nhận lợi nhuận 2.397 tỷ đồng.
Điều đáng nói, Công ty Sài Gòn – Đà Nẵng là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn- một tập đoàn cũng do ông Đặng Thành Tâm, người đang làm Chủ tịch Công ty Kinh Bắc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Thaiholdings với mức lãi sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét giảm hơn 180 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 93,9 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính tự lập.
Giải trình nguyên nhân, văn bản do Tổng Giám đốc Thaiholdings Nguyễn Văn Dũng ký cho biết, doanh nghiệp có Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội được sở hữu chéo bởi Công ty Cổ phần - Tập đoàn Thaigroup và Công ty cổ phần Thaiholdings dẫn đến quan điểm giữa kế toán Công ty Cổ phần Thaiholdings và đơn vị kiểm toán có sự khác nhau về việc điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tương ứng cho những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của công ty liên kết từ ngày đầu tư (ngày kiểm soát công ty con) đến ngày báo cáo, khi Công ty cổ phần - Tập đoàn Thaigroup thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội.
Hay như tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng sau soát xét “bốc hơi” 89%, còn 1,4 tỷ đồng. Theo giải trình của TTF, sự chênh lệch này là do Công ty ghi nhận bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi do đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, một số doanh nghiệp giảm lãi, từ lãi thành lỗ hoặc tăng lỗ sau kiểm toán gồm: Công ty Cổ phần Louis Capital; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng; Công ty Cổ phần VKC Holdings; Công ty Cổ phần Đức Long Gia Lai; Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam…
Việc điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp trên bị đơn vị kiểm toán cho ý kiến chủ yếu do tăng trích lập khoản phải thu, đánh giá lại tài sản công ty con, khoản thu nhập khác có vấn đề…
NHÀ ĐẦU TƯ BỊ "VẶT LÔNG"
Mặc dù không tác động trực tiếp nhưng các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng từ việc sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp sau soát xét. Bởi lẽ, báo cáo tài chính là một trong những tài liệu làm căn cứ đánh giá về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp khi nhà đầu tư mua cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu doanh nghiệp lại thường có xu hướng biến động theo các con số lợi nhuận mà doanh nghiệp công bố.
Thậm chí, mới đây, một vụ việc “xào nấu” để tăng vốn ảo khiến nhà đầu tư trực tiếp mất tiền đã được công bố. Cụ thể, hành vi chiếm đoạt tiền nhà đầu tư của ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC được chỉ rõ sau khi ông này bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc tăng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros. Trong 3 năm (2014 - 2016), vốn điều lệ của công ty này từ 1,5 tỷ đồng tăng lên đến 4.300 tỷ đồng (430 triệu cổ phần). Sau đó công ty này được đưa lên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán số cổ phần trên để chiếm đoạt tiền nhà đầu tư, thu về hơn 6.400 tỷ đồng.
Hiện tại, công cụ để thực hiện hành vi của các doanh nghiệp trên đều được thực hiện thông qua công ty “hình nộm” trên danh nghĩa công ty con, công ty cháu. Đặc biệt, có công ty “hình nộm” mới thành lập được vài tháng đã được đem ra làm công cụ thỏa mãn mục tiêu ông chủ.
Ở một thị trường khác của thị trường chứng khoán là trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng bị các công ty “hình nộm” lũng đoạn. Điển hình, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phải ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh)
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, các hành vi phạm pháp đều được thực hiện trên công ty “hình nộm” chủ yếu để né trách nhiệm. Bởi lẽ, các công ty này được hưởng thương hiệu từ công ty mẹ. Điều này thuận tiện cho việc huy động vốn. Trong khi đó, nếu gặp rủi ro, các công ty này lại có pháp nhân riêng không lan truyền hệ thống tập đoàn.
“Tất cả chiêu trò của doanh nghiệp đều đã được nhận dạng rất rõ. Do đó, trong sự vụ của FLC hay Tân Hoàng Minh, bên cạnh những cá nhân điều hành trực tiếp công ty “hình nộm”, cơ quan quản lý đều bắt thêm những ông chủ thực sự đứng đằng sau”, ông Ánh nói và cho rằng, nhà đầu tư đang bị hoa mắt bởi lợi nhuận nên rất khó để tự nhận biết các công ty “hình nộm”. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp trong vụ Tân Hoàng Minh có lãi suất rất cao, cao hơn nhiều so với tiền gửi ngân hàng. Hay như chưa đến một năm, giá của cổ phiếu FLC Faros tăng gấp hàng chục lần.
Chia sẻ với VnEconomy, một lãnh đạo công ty kiểm toán cho hay, kể từ năm 2005 đến nay, Chính phủ ban hành cơ chế thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng. Do đó, chỉ cần vài thao tác đơn giản hoặc chi vài triệu đồng nếu thông qua “cò”, người dân có thể sở hữu một doanh nghiệp. Riêng về vốn điều lệ, sẽ có một số thủ thuật để hợp thức hoá. Để tạo độ tin cậy, các doanh nghiệp này sẽ được “thổi” lớn từ từ.
“Vào thời điểm 2015, tức cách đây hơn 8 năm, thị trường đã truyền tai nhau thông tin cựu Chủ tịch FLC thành lập một lúc 35-40 công ty con. Rồi từ các công ty con lại có thêm công ty cháu, chắt. Lúc đó, chỉ riêng thời gian kiếm người đứng đầu các công ty con này cũng rất mệt. Sau 8 năm, tôi tin rằng khó thể vẽ toàn bộ mạng lưới của tập đoàn này”, vị lãnh đạo công ty kiểm toán chia sẻ.
Cũng theo ông, trong trường hợp doanh nghiệp hành động bài bản có lộ trình từ rất xa như vậy, cơ quan quản lý cũng khó lòng kiểm soát. Do đó, để phòng ngừa rủi ro thì chính nhà đầu tư phải giữ cái đầu lạnh. Nếu chỉ hướng đến lợi nhuận cao trước mắt, việc bị “vặt lông” cũng là điều dễ hiểu.