April 27, 2021 | 20:10 GMT+7

Doanh nghiệp khó đảm bảo tinh thần làm việc cho lao động khi làm việc từ xa

Nhật Dương -

65% doanh nghiệp tham gia khảo sát do ILO và Mạng lưới An toàn sức khỏe nghề nghiệp G20 thực hiện cho biết khó có thể đảm bảo tinh thần làm việc của người lao động khi làm việc từ xa

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin này được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết trong báo cáo “Dự báo, chuẩn bị và ứng phó khủng hoảng - Hãy đầu tư cho các hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp có sức chống chịu tốt” vừa công bố.   

Theo báo cáo của ILO, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người lao động làm việc trong những lĩnh vực đặc thù như: công tác chăm sóc y tế và xã hội, ứng phó khủng hoảng trở nên đặc biệt dễ bị lây nhiễm. Theo số liệu được trích dẫn, kể từ khi xảy ra khủng hoảng đã có 7.000 nhân viên y tế tử vong và 136 triệu nhân viên chăm sóc y tế và xã hội đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi làm việc.

Những áp lực và rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt trong đại dịch cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của họ. Số liệu thống kê cho thấy 1/5 nhân viên chăm sóc y tế toàn cầu có các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.

Tương tự, nhiều nơi làm việc khác đã và đang trở thành nguồn lây truyền Covid-19 khi nhân viên phải làm việc trong những môi trường kín và tiếp xúc gần với nhau, bao gồm cả việc sử dụng chung nơi ở hay phương tiện đi lại.

Phân tích những quan ngại về sức khỏe phát sinh do tăng cường áp dụng cách bố trí làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, báo cáo cho biết mặc dù làm việc từ xa là cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của virus, duy trì công việc và mang lại sự linh hoạt cho người lao động, nhưng điều này cũng xóa mờ sự phân tách giữa đời sống công việc và đời sống cá nhân.

65% doanh nghiệp tham gia khảo sát do ILO và Mạng lưới An toàn sức khỏe nghề nghiệp G20 thực hiện cho biết khó có thể đảm bảo tinh thần làm việc của người lao động khi làm việc từ xa.

Báo cáo cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng được những yêu cầu chính thức về an toàn sức khỏe nghề nghiệp vì nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lực để ứng phó với những mối đe dọa do đại dịch gây nên.

Trong khu vực kinh tế phi chính thức, có đến 1,6 tỷ người lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn phải làm việc trong thời kỳ áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và giao tiếp xã hội cũng như các biện pháp khác.

Điều này khiến họ đứng trước nguy cơ cao bị lây nhiễm virus trong khi đa phần những người lao động này không được tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội cơ bản như nghỉ ốm hay nghỉ ốm có hưởng lương.

Báo cáo cũng nêu rõ, các tiêu chuẩn lao động quốc tế đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách thức ứng phó với những thách thức này để giảm nguy cơ virus lây truyền tại nơi làm việc.

Các tiêu chuẩn lao động quốc tế cung cấp công cụ để triển khai các biện pháp an toàn sức khỏe nghề nghiệp và đảm bảo người lao động, người sử dụng lao động và các Chính phủ vẫn có thể duy trì việc làm thỏa đáng, trong khi phải điều chỉnh để giải quyết những hậu quả mà đại dịch gây nên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate