September 19, 2022 | 16:14 GMT+7

Doanh nghiệp lo phá sản nếu phải chuyển đổi công năng, di dời theo đề án của tỉnh Bình Dương

Châu Anh -

Hiệp hội doanh nghiệp gia dày, gốm sứ, gỗ... đang hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp tại Bình Dương bày tỏ lo lắng, nếu phải di dời theo đề án của địa phương này, doanh nghiệp sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức...

Hiệp hội doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương bày tỏ lo lắng trước việc nhiều doanh nghiệp sẽ phải di dời, chuyển đổi công năng theo đề án của Bình Dương
Hiệp hội doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương bày tỏ lo lắng trước việc nhiều doanh nghiệp sẽ phải di dời, chuyển đổi công năng theo đề án của Bình Dương

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp chịu tác động bởi Đề án chuyển đổi công năng di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngày 31/10/2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3210/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương".

Đề án phân thành 04 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, từ 01/2022- 12/2023: Thực hiện các công tác chuẩn bị của tỉnh để triển khai Đề án, tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án.

Từ 7/2023 - 12/2023: Ban hành danh sách sơ bộ các đối tượng phải chuyển đổi công năng, di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung, bắt đầu triển khai giai đoạn thử nghiệm tại TP.Thuận An.

Từ tháng 01/2024 – 12/2024: Tiếp tục tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án, rút kinh nghiệm triển khai Đề án tại TP.Thuận An để triển khai việc chuyển đổi công năng, di dời tại các địa phương khác.

Từ 01/2025 – 12/2027: Tiếp tục tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án, triển khai việc chuyển đổi công năng, di dời tại các địa phương khác.

Từ 01/2028 – 12/2030: Tiếp tục tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án, thực hiện việc cưỡng chế di dời, chuyển đổi công năng đối với doanh nghiệp có thái độ chây ì, kéo dài.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện Hiệp hội da giày tỉnh Bình Dương bày tỏ lo lắng, thực hiện việc di dời tới nơi mới với số lượng lớn các doanh nghiệp phải di dời sẽ khó có thể tuyển được lao động vì hiện tại, công nhân đã ổn định chỗ ở.

Việc xáo trộn địa điểm sản xuất kinh doanh, những doanh nghiệp có tiềm lực sẽ tồn tại và ngược lại, một số doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị, tỉnh cần dàn trải trên khoảng thời gian dài và khi ổn định quỹ đất công sẽ thực hiện việc di dời để các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề sẽ hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng trong tương lai. 

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất gỗ trên địa bàn TP.Thuận An cho biết, công ty đã hoạt động được 25 năm, đảm bảo đóng thuế đầy đủ, không có đơn khiếu kiện về việc gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong quá trình sản xuất.

Công ty rất lo lắng, việc di dời theo chủ trương của tỉnh có thể dẫn đến nguy cơ phá sản do công nhân đã ổn định nơi ăn, chốn ở, môi trường học tập của con công nhân.

Đại diện Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương cho rằng, khi di chuyển sang địa điểm mới, doanh nghiệp cũng khó có thể tuyển được lao động để ổn định sản xuất ngay được. Hơn nữa, các công ty đã đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian dài trên đất sản xuất hiện tại. Khi di chuyển vào chỗ mới, công ty phải mất tiền thuê đất. Do đó, tỉnh phải có chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp gốm sứ tại Bình Dương cũng cho rằng, đây là kế hoạch lớn của tỉnh, nếu thực hiện không hiệu quả sẽ khiến các doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, Ban Chỉ đạo tỉnh nên làm việc với từng hiệp hội để lấy ý kiến của các doanh nghiệp một cách cụ thể và thông tin chi tiết cho doanh nghiệp về các khu vực chuyển đến cho phù hợp với chủ trương của tỉnh. Nếu không các doanh nghiệp sẽ chuyển qua tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, thành khác, lúc đó sẽ khó "giữ chân" được doanh nghiệp ở lại Bình Dương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, sẽ lắng nghe các ý kiến để ban hành các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện việc di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate