Theo ước tính, tổng thiệt hại về tài sản do bão Yagi gây ra có thể đạt con số trên 50.000 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD). Với thiệt hại rất lớn nêu trên có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5%.
Doanh nghiệp thuộc ngành logistics cũng là một trong nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo số liệu khảo sát, phân tích của Công ty Tư vấn Quản lý chuỗi cung ứng - CEL, từ ngày 10 đến 15/9, trong số 216, có 15,4% công ty bị gián đoạn nghiêm trọng; 53,6% công ty đối diện với những chậm trễ trong vận hành nhưng vẫn kiểm soát được; chỉ có 6,2% doanh nghiệp báo cáo không bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Khoảng 20 - 30% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đường sá hư hại làm gián đoạn logistics và vận tải. Điển hình như mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) có thời điểm đã hoàn toàn mất điện và liên lạc, bị cô lập do sạt lở trên tuyến đường vận tải.
Việc gián đoạn hoạt động logistics được thể hiện trên diện rộng với: 73,3% công ty bị gián đoạn nghiêm trọng thuộc lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics, với các nhà khai thác cảng, nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL), dịch vụ vận tải và chuỗi cung ứng lạnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong đó, khoảng 56,6% các công ty vận tải thuộc lĩnh vực vận tải bị ảnh hưởng, với hơn 50% doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, phân phối và bán lẻ. Kho bãi và hàng tồn kho là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều thứ hai, khoảng 24,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Khoảng 50 - 60% nhà máy trong số liệu khảo sát sát bị ngập lụt nghiêm trọng, cùng với đó là khoảng 30 - 40% cơ sở hạ tầng công nghiệp bị hư hại do gió lớn. Ngoài ra, khoảng 20 - 30% công ty phải đối mặt với thiệt hại hàng tồn kho, đặc biệt là các ngành như điện tử và sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của CEL, nhờ vào việc huy động nguồn lực nhanh chóng, 44,6% doanh nghiệp được khảo sát cho biết kỳ vọng sẽ phục hồi trong 1 - 2 tuần.
Cụ thể, các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty Hàng hải đóng trên địa bàn Quảng Ninh và Hải Phòng đã khẩn trương sửa chữa, dọn dẹp, khôi phục toàn bộ hoạt động (từ 9/9), đảm bảo tiến độ bốc xếp hàng hóa, không để các tàu phải gián đoạn hải trình vận tải.
Báo cáo cũng đánh giá tích cực động thái kịp thời của ngành bán lẻ. Ngay sau bão, các nhà bán lẻ lớn đã nhanh chóng tăng gấp 2 - 4 lần lượng hàng hóa so với bình thường, ngăn chặn tình trạng thiếu hụt thực phẩm.
MM Mega Market, Central Retail và Saigon Co.op đã tăng mạnh lượng hàng rau quả từ miền Nam ra cung ứng cho thị trường phía Bắc. Trong đó, chuỗi siêu thị MM Mega Market tăng gấp ba lần lượng rau củ quả từ Lâm Đồng, nâng nguồn cung hằng ngày lên 40 tấn bất chấp sự chậm trễ về logistics do ngập lụt.
Đại điện Masan Group cho biết, tập đoàn cam kết cung cấp đầy đủ các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì... ra miền Bắc, mà không có chính sách tăng giá, dù chi phí vận hành và vận chuyển hàng hoá gia tăng, như một nỗ lực đồng hành chia sẻ cùng bà con vượt khó khăn.