November 02, 2023 | 17:42 GMT+7

Doanh nghiệp Martech Việt có gì để “đấu” với các doanh nghiệp Martech nước ngoài?

Hoàng Hà -

Một chuyên gia về Martech đã ví von các hãng Martech nước ngoài là chàng trai đã trưởng thành, có nhà có xe, có kinh nghiệm. Còn các brand Việt Nam giống như các chàng trai 20-25 tuổi, trẻ khỏe và hiểu rõ thị trường địa phương…

Tọa đàm về Martech Việt Nam: Làn sóng đổi mới sáng tạo và sự trưởng thành của hệ sinh thái Martech Việt Nam
Tọa đàm về Martech Việt Nam: Làn sóng đổi mới sáng tạo và sự trưởng thành của hệ sinh thái Martech Việt Nam

Là một ngành công nghiệp mới xuất hiện được hơn 12 năm nhưng Martech đã có sự phát triển rất nhanh. Từ năm 2011 toàn cầu chỉ có hơn 120 công ty trong lĩnh vực này đến 2023 đã có hơn 11.000 công ty, trong đó có nhiều công ty Việt Nam đang cung cấp các giải pháp Martech cho DN, như các quảng cáo trực tuyến, quảng cáo trên mobile, trên mạng…

Năm 2022, ngành công nghiệp Martech toàn cầu đạt mức doanh thu 329 tỷ USD và dự kiến sau 10 năm nữa - đến năm 2032, doanh thu toàn ngành sẽ cán mốc 1.700 tỷ USD.

GIẢI PHÁP MARTECH VIỆT KÉM HAY DOANH NGHIỆP THÍCH “HÀNG MARTECH NGOẠI”?

Tại phiên tọa đàm về Martech Việt Nam: Làn sóng đổi mới sáng tạo và sự trưởng thành của hệ sinh thái Martech Việt Nam, ông Tình Nguyễn, Chủ tịch Mạng lưới ĐMST Martech Việt Nam, cho biết những năm gần đây, rất nhiều công ty công nghệ Martech trên thế giới đã đến Việt Nam, cung cấp các giải pháp Martech ở thị trường Việt Nam, cũng như việc các doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng các giải pháp Martech của nước ngoài. 

Là người điều phối phiên tọa đàm, ông Tình đặt câu hỏi: “Liệu có phải năng lực cạnh tranh của các công ty công nghệ Martech Việt Nam kém hơn so với thế giới? Hay do nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam muốn sử dụng giải pháp của thế giới hơn là của Việt Nam?”.

Lý giải câu hỏi này, ông Huỳnh Lê Tấn Tài, Đồng sáng lập, Chủ tịch Công ty Kyanon Digital, cho rằng “có nhiều lý do” khiến các doanh nghiệp Việt Nam ưu ái sử dụng giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài. 

Thứ nhất là về độ trưởng thành của các doanh nghiệp nước ngoài; thứ hai là doanh nghiệp nước ngoài có nhiều giải pháp ứng dụng đã triển khai cho nhiều khách hàng khác nhau, vì thế họ có kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp. 

“Ứng dụng Martech là cả một hành trình, luôn luôn có những lựa chọn. Độ trưởng thành của các giải pháp quốc tế đa phần sẽ tốt hơn”, ông Huỳnh Lê Tấn Tài nói. Tuy vậy, Đồng sáng lập, Chủ tịch Công ty Kyanon Digital, cũng cho rằng các doanh nghiệp Martech Việt sẽ có lợi thế ở những giải pháp nhanh, giải quyết các bài toán nhỏ và đặc biệt là hiểu rõ xu thế thị trường địa phương.

Các chuyên gia thảo luận tại gian Công ty Kyanon Digital
Các chuyên gia thảo luận tại gian Công ty Kyanon Digital

Ông Nguyễn Bình Nam, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty OplaCRM, đã có một ví von khá thú vị để hiểu về sự sự cạnh tranh của các nhãn hiệu Martech nước ngoài và Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp (khách hàng sử dụng các giải pháp Martech) như một cô gái trẻ đẹp. Các hãng Martech nước ngoài theo phân tích là chàng trai đã trưởng thành, có nhà có xe, tầm 40 tuổi, có kinh nghiệm.

Còn các brand Việt Nam giống như các chàng trai 20-25 tuổi, chưa có nhiều case study (ứng dụng thực tế) nhưng khỏe hơn, được tiếp cận thường xuyên hơn.

Cuộc chiến giữa “một ông” có kinh nghiệm nhưng không có tốc độ và “một ông” có tốc độ, cho thấy những điểm tiện lợi, ưu việt của giải pháp Martech nội so với các giải pháp nước ngoài, nghĩa là họ hiểu khách hàng hơn, gần khách hàng hơn, chi phí sản xuất rẻ hơn, tuy nhiên về kinh nghiệm hay dấu ấn thành công thì không bằng giải pháp ngoại. 

Là đại diện của một doanh nghiệp Martech nước ngoài tham dự Tọa đàm, bà Võ Hoàng Thanh Mai, Territory Sales Manager của CleverTap tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Cambodia, khẳng định: Các giải pháp công nghệ Martech của Việt Nam rất tốt, với điểm mạnh rõ rệt là tính địa phương hóa, mức độ tùy biến cao, phù hợp với từng yêu cầu kinh doanh”.

Theo bà Mai, các doanh nghiệp Martech Việt Nam đã và đang bắt kịp với thế giới, tìm kiếm và học hỏi các giải pháp trên thế giới, sau đó kiểm tra, trải nghiệm và cải thiện thêm. 

Nói về các doanh nghiệp Martech nước ngoài, đại diện CleverTap cho biết khi các doanh nghiệp trên thế giới vào Việt Nam, như CleverTap chẳng hạn, thường đã có sẵn kinh nghiệm làm việc với nhiều doanh nghiệp, khách hàng, vì vậy khi đi vào thị trường, những doanh nghiệp này sẽ có lợi thế hiểu rõ cách áp dụng các giải pháp như thế nào.

Bởi vì, vấn đề ở đây không phải là “cứ mua khuôn về bật lên là giải pháp sẽ chạy”, mà các doanh nghiệp phải hiểu sẽ vận hành giải pháp đó sao cho phù hợp với nhu cầu và mục tiêu riêng. 

6 TRỤ CỘT VÀ 5 CẤP ĐỘ TRONG ỨNG DỤNG MARTECH

Ông Trần Anh Dũng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch MOG, cho rằng: “Để ứng dụng Martech vào doanh nghiệp, một trong những yếu tố rất quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu rõ họ đang ở mức độ trưởng thành nào. Nếu không, ứng dụng Martech sẽ không khác nào mua dao mổ trâu về giết ruồi, hay tình thế bỏ ra 10 đồng nhưng chỉ dùng được 2 đồng”, ông Trần Anh Dũng, nhà sáng lập kiêm chủ tịch MOG, ví von.

Theo ông Dũng, không hiểu rõ mức độ trưởng thành chính là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp thất bại khi triển khai Martech. Do đó, bài toán đầu tiên về mặt chiến lược là doanh nghiệp cần hiểu rõ “họ muốn gì, giải bài toán gì của doanh nghiệp”. 

Ứng dụng Martech vào doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đánh giá xem họ đang ở cấp độ nào, sau đó mới lựa chọn được giải pháp
Ứng dụng Martech vào doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đánh giá xem họ đang ở cấp độ nào, sau đó mới lựa chọn được giải pháp

Chuyên gia của MOG đưa ra 6 trụ cột và 5 cấp độ trong ứng dụng Martech. Trụ cột thứ nhất liên quan đến câu hỏi “giải bài toán gì”. Trụ cột thứ hai là về dữ liệu; thứ ba là về phân tích; thứ tư là khả năng quản trị và thứ năm là trưởng thành số; thứ sáu là công nghệ.

Sáu trụ cột này chia làm 5 cấp độ. Cấp độ đầu tiên là khởi tạo. Lúc này, doanh nghiệp chưa hiểu về Martech và muốn sử dụng công nghệ liên quan đến Martech, để hỗ trợ bán hàng, marketing, hoặc giải một bài toán nào đấy. Cấp độ thứ hai là bắt đầu hình thành. Cấp độ số ba là khai phá, sang cấp độ thứ tư là chuyển biến. Ở cấp độ này, doanh nghiệp đã sử dụng và kết hợp các giải pháp, công nghệ rất nhuần nhuyễn và những công nghệ như AI hay Macchine Learning đã được vận dụng rất nhiều, đặc biệt là trong các chiến lược siêu cá nhân hóa. Cuối cùng, cấp độ thứ năm là cố gắng tạo ra những trải nghiệm xuất sắc hay liền mạch.

Như vậy, ứng dụng Martech vào doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đánh giá xem họ đang ở cấp độ nào, sau đó mới lựa chọn được giải pháp. Để xác định doanh nghiệp đang ở cấp độ nào, cần xem xét các yếu tố như năng lực nhân sự, chi phí vận hành, đầu tư…

Theo ý kiến của ông Trần Anh Dũng, các startup Martech Việt Nam cần men theo hành hình đó, lựa chọn phân khúc khách hàng phù hợp, thì họ sẽ có cơ hội kinh doanh. Tại Việt Nam hiện nay, có đến 80% “level trưởng thành” của các doanh nghiệp đang nằm ở 3 cấp độ đầu. Nghĩa là có ít doanh nghiệp đạt đến giai đoạn ứng dụng AI, Machine Learning. Vậy nên họ cần giải những bài toán cụ thể hơn rất nhiều. 

Ngành công nghiệp truyền thông số và Martech Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển và trưởng thành với những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng với nền kinh tế hội nhập, các công ty Martech toàn cầu đã tham gia vào thị trường Việt Nam, các DN Martech Việt Nam vừa phải đối mặt với thách thức cạnh tranh, vừa có cơ hội được học tập từ những công ty Martech lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Bình Nam, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty OplaCRM, cho rằng cuộc chiến “nội và ngoại” sẽ tiếp tục diễn ra. Cho đến nay cũng đã có nhiều thương hiệu Martech Việt Nam nổi bật, đối đầu với các thương hiệu nước ngoài. 

“Nói về đường dài, chưa biết ai hơn ai nhưng với tình hình hiện tại, tôi tự tin Martech Việt Nam sẽ không chỉ thành công trên sân nhà mà còn vươn sang cả sân chơi nước bạn”, ông Nguyễn Bình Nam cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate