September 14, 2021 | 06:00 GMT+7

Doanh nghiệp môi giới bất động sản: Bên bờ phá sản 

Phan Nam -

Hơn 80% sàn giao dịch bất động sản không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, 78% phải thực hiện cắt giảm nhân sự; 28% có nguy cơ giải thể, không còn tiền để trả cho nhân viên; 45% lao động trong các sàn thực hiện cắt giảm không còn thu nhập… Các doanh nghiệp môi giới bất động sản đang có nguy cơ phá sản hàng loạt...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bình luận về những con số này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lý giải, kể từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là những đô thị lớn liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc giãn tiến độ. Người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường bất động sản nói chung và lĩnh vực môi giới bất động sản nói riêng.

KHÔNG CÓ DOANH THU HOẶC DOANH THU THẤP

Theo khảo sát mới đây của Hội Môi giới bất động sản, tại 500 đơn vị hội viên (với gần 75.000 lao động) trên cả nước, sức ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản là rất lớn. Có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng.

Doanh nghiệp môi giới bất động sản: Bên bờ phá sản  - Ảnh 1

“Hiện tại đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp; 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc cho tạm nghỉ việc không lương. Theo đó, 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập (tương đương khoảng 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch). Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên…”, ông Nguyễn Văn Đính cho biết.

Trong khi đó, 89% số sàn giao dịch tham gia khảo sát cho biết họ không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Với những doanh nghiệp có nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng cũng rất hạn chế. Đồng thời, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu nhưng có tới hơn 70% các sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch nhưng cũng không được giảm tiền thuê mặt bằng.

“Qua điều tra, khảo sát có thể thấy mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng chừng ấy là không đủ để vượt khó. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng”, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản nhận định. 

Theo ông Tú, các thách thức cơ bản mà các sàn giao dịch bất động sản đang phải đối mặt bao gồm: chi phí duy trì doanh nghiệp không hề được giảm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid, trong khi doanh nghiệp không có nguồn thu. Từ đó đã tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Rủi ro bồi thường hợp đồng hoặc liên đới chịu trách nhiệm hay rủi ro mất tiền cọc, bị phạt do không thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng; Khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền thể nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội… do không có nguồn thu. Rủi ro bị chủ cho thuê mặt bằng đòi lại mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện… do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.

Doanh nghiệp môi giới bất động sản: Bên bờ phá sản  - Ảnh 2

KIẾN NGHỊ NĂM GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CÁC SÀN GIAO DỊCH

Trước thực trạng trên, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã đề nghị Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid–19.

“Chúng tôi đã kiến nghị năm giải pháp nhằm hỗ trợ các sàn giao dịch cũng như các nhà môi giới bất động sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay. 

Thứ nhất, cần xác định và bổ sung nhóm ngành bất động sản, trong đó có ngành dịch vụ môi giới bất động sản vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. 

Thứ hai, được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản bảo hiểm xã hội, các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch. Cụ thể là bổ sung ngành kinh doanh bất động sản vào “Điều 2. Đối tượng áp dụng” trong Nghị định 52/CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính phủ.

Doanh nghiệp môi giới bất động sản: Bên bờ phá sản  - Ảnh 3

Thứ ba, sớm ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sàn giao dịch bất động sản có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Thứ tư, có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Thứ năm, thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư bất động sản làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư cho toàn xã hội”, ông Nguyễn Anh Tú bày tỏ.

Ngoài ra, Hội Môi giới bất động sản cũng đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn không thể thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do thực hiện giãn cách xã hội. Không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch, sớm thanh toán hoặc ít nhất là thanh toán một phần để các sàn có nguồn kinh phí duy trì hoạt động…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate