February 27, 2023 | 16:23 GMT+7

Doanh nghiệp muốn “gỡ khó” cho du lịch tàu biển

Tường Bách -

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã đón nhiều du thuyền quốc tế tới Việt Nam tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, du lịch tàu biển vẫn chưa thể trở thành sản phẩm thế mạnh của du lịch nước ta...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia đánh giá, khách du lịch tàu biển thường là dòng khách có mức chi tiêu cao. Trong khi đó, Việt Nam lại có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng khách này khi có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực. Ngoài ra nước ta còn sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, sở hữu nhiều vịnh, bãi biển đẹp.

THỊ TRƯỜNG NHIỀU TIỀM NĂNG

Mới đây, hãng du thuyền hàng đầu thế giới Royal Caribbean International (trụ sở tại Na Uy) thông báo đưa Việt Nam vào hải trình năm 2023 của du thuyền sang trọng mang tên “Spectrum of the Seas”. Cụ thể, con tàu này sẽ ghé thăm các điểm đến Nha Trang, TP HCM, Huế và Đà Nẵng theo các hải trình khác nhau. Theo Công ty Lữ hành Saigontourist, du thuyền “Spectrum of the Seas” dự kiến cập cảng tại Nha Trang và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 26 - 27/2/2023. Còn, Huế/Đà Nẵng là điểm đến mới được bổ sung vào hải trình Tokyo – Singapore, khởi hành vào tháng 9 – tháng 10/2023.

Ngoài ra, hãng Silversea Cruises cũng đưa Việt Nam vào lịch trình của các tàu “Silver Shadow”, “Silver Whisper” và “Silver Spirit” trong tháng 2 và tháng 3/2023. Trước đó, vào hôm mùng 1 Tết, tàu “Silver Spirit”, xuất phát từ Hong Kong (Trung Quốc), đã đưa 500 du khách mang quốc tịch Mỹ và châu Âu đến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số một. Việt Nam có nhiều điểm du lịch đa dạng từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền núi tới đồng bằng, bãi biển, đảo với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và các di tích văn hóa lịch sử lâu đời. Những khu du lịch biển nổi tiếng nước ta như: Hạ Long - Cát Bà, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… đều được xem là có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á để thu hút du khách tàu biển.

Tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas mang theo 3.500 khách đã cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) sáng 26/2.
Tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas mang theo 3.500 khách đã cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) sáng 26/2.

Tuy nhiên, hạn chế của việc phát triển loại hình này cũng còn nhiều. Có thể kể tới những khó khăn, bất cập hàng đầu như thiếu cảng du lịch, nguồn nhân lực thiếu và yếu, quảng bá chưa tốt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được việc đón tàu biển... Ngoài ra, số doanh nghiệp khai thác và có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển vẫn còn ít, trong khi dòng khách hàng có chi trả cao thường khó tính hơn, yêu cầu đội ngũ làm du lịch phải có kinh nghiệm và tâm huyết.

Vấn đề thủ tục nhập cảnh tàu và du khách vẫn còn gây ra nhiều tranh luận. Nhiều công ty đã phản ánh về các bất cập khi đón du khách tàu biển quốc tế như: việc nhập cảnh tàu, nhập cảnh của khách mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn. Trong khi đó, ở nhiều cảng, khách phải đi bộ rất xa để đến được khu vực các công ty lữ hành và xe được phép đón, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách.

CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA MỖI ĐỊA PHƯƠNG

Theo kế hoạch, trong năm 2023 Nha Trang sẽ đón hơn 30 chuyến tàu du lịch biển. Tuy nhiên ngay trong tháng 2 đã có 4 chuyến tàu biển với hơn 7.200 khách hủy chuyến. Thông tin được nêu trong kiến nghị giải quyết khó khăn về việc phục vụ khách du lịch tàu biển quốc tế đến Nha Trang của Công ty Lữ hành Quốc tế Tictours gửi UBND tỉnh Khánh Hoà mới đây.

 
Từ ngày 18 đến 24/2, ba chuyến tàu biển đã huỷ chuyến đến TP Nha Trang gồm Queen Mary 2 (2.000 khách Tây Âu), Seven Seas Explorer (700 khách Mỹ) và Nautica (500 khách nhiều quốc tịch).

Lý do tàu hủy chuyến, theo như trong kiến nghị, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, còn bởi các đơn vị tổ chức tour khó thực hiện các chương trình đưa khách tham quan khi các tuyến đường chính vào thành phố đều cấm xe trên 29 chỗ giờ cao điểm. Ngoài ra, một số đường ngoại thành nơi khách tàu biển thích tham quan nhà cổ, đình làng, chợ quê, làng nghể, cánh đồng lúa, cũng cấm xe trên 16 chỗ.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là áp dụng cho các chuyến tàu biển vào Nha Trang trong từ tháng 2 đến tháng 4 này (khoảng 12 chuyến), ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Tictours kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tạm thời cho phép các xe ô tô du lịch trên 29 chỗ ngồi phục vụ khách du lịch tàu biển được phép lưu thông trên các tuyến đường trung tâm thành phố Nha Trang vào giờ cao điểm đối với các ngày cụ thể có tàu biển vào Nha Trang. 

Cũng gặp những khó khăn tương tự, tại TP.HCM, chỉ những tàu du lịch biển có sức chứa vài trăm du khách mới có thể vào sông Sài Gòn, đưa du khách xuống cảng khu vực bến Nhà Rồng, tạo thuận lợi cho những chuyến đi khám phá thành phố. Nguyên nhân là do tĩnh không cầu Phú Mỹ (gần ngã ba sông Đồng Nai - Lòng Tàu - Sài Gòn) chỉ đủ cho tàu khách có sức chứa dưới 1.000 người qua lại.

Nếu cầu Phú Mỹ 4 (sắp xây dựng) được hình thành với tĩnh không 10m, những tàu cỡ nhỏ cũng không còn vào được bến Nhà Rồng nữa. Trong khi đó, dự án cảng du lịch bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7) chưa biết lúc nào mới triển khai.

Doanh nghiệp muốn “gỡ khó” cho du lịch tàu biển - Ảnh 1Đoàn khách khoảng 500 người trên du thuyền Silver Spirit cập bến tại cảng tàu khách quốc tế Hạ Long ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Còn tại Quảng Ninh, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group chia sẻ: "Chẳng hạn, để tham quan vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ du khách phải đi ba hành trình khách nhau, ba du thuyền khác nhau. Thay vào đó, chúng tôi mong rằng có thể có những chuyến du thuyền thông giữa các vịnh… và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát hành trình qua GPS một cách dễ dàng", ông Hà bộc bạch.

Đặc biệt, theo ông Phạm Hà, hiện tại, vẫn chưa có những quy định chung chú trọng việc phục vụ khách và hiểu sâu sắc hoạt động du lịch biển. “Việc phát triển hệ thống cảng biển chuyên dụng đón tàu du lịch biển và xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm tour tuyến phù hợp phục vụ dòng khách này là những yếu tố quan trọng để thu hút du khách tàu biển tại các địa phương thời gian tới”, ông Phạm Hà nhận định.

Nói rõ hơn về cơ chế hoạt động của tàu du lịch biển, ông Lim Jiun Yan, Giám đốc vận hành Hãng tàu Resorts World Cruises Singapore (chuyên chọn cập cảng thị xã Phú Mỹ) cho biết, tàu biển phải chốt lịch thuê cầu bến trước cả năm, nên rất cần nước chủ nhà công bố điểm cập bến, phí cảng… ổn định, lâu dài, tránh việc giờ chót thay đổi, gây khó cho cả hãng tàu và du khách.

Bên cạnh đó, các chuyến tàu biển đầu tiên trở lại Việt Nam cho thấy, hình thức tương đối khác so trước đây. Khách du lịch tàu biển lựa chọn đa dạng hơn, không chỉ đi một tour suốt hành trình trên tàu, dừng lại điểm nào đó, xuống tham quan rồi quay lại tàu. Hiện nay, khách lựa chọn các phương tiện di chuyển linh hoạt hơn, gồm cả tàu biển, máy bay, ô tô. Khách đi theo chặng để tiết kiệm chi phí và mang tính trải nghiệm cho biết. Đây cũng là yếu tố mà các hãng lữ hành cần có sự biến hóa linh hoạt hơn trong khai thác dịch vụ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate