Theo Business Insider, tập đoàn dầu khí Shell – niêm yết tại Anh, và công ty tiện ích Centrica, vừa báo cáo lợi nhuận quý 2 kỷ lục.
Cụ thể, trong quý, Shell ghi nhận lợi nhuận 11,5 tỷ Bảng (tương đương 13,6 tỷ USD) – tăng 92% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Centrica – công ty mẹ của hãng khí đốt lớn nhất tại Anh British Gas – lãi 1,3 tỷ Bảng (tương đương 1,6 tỷ USD).
Giá dầu và khí đốt tăng mạnh ở châu Âu đã giúp hai “đại gia” năng lượng này đạt được kết quả chưa từng có này. Giá dầu thô Brent và dầu WTI của Mỹ đều tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay, trong khi đó hợp đồng tương lai khí đốt TTF tại Hà Lan tăng 112% kể từ đầu tháng 6.
"Không ngạc nhiên khi Centrica và Shell đều có kết quả kinh doanh rất tốt trong quý này. Lợi nhuận 11,5 tỷ Bảng là một kỷ lục mới của Shell”, chiến lược gia Simon Tucker của Infosys Consulting, nhận xét. "Rõ ràng chúng ta đang ở trong một siêu chu kỳ hàng hóa với nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao. Điều này có lẽ sẽ tiếp tục diễn ra trong 3-5 năm tới”.
“Chúng tôi dự báo giá khí đốt ở châu Âu sẽ một lần nữa bị đẩy lên cao hơn trong mùa hè năm 2023, khi nhu cầu liên tục giảm do giá cao một lần nữa trở thành được quan tâm nhất”.
Nhóm chiến gia của Goldman Sachs
Giá khí đốt, than và điện ở châu Âu đều tăng mạnh trong năm nay, chủ yếu do sự gián đoạn nguồn cung nhiên liệu từ Nga – quốc gia cung ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực này.
Không chỉ các công ty ở Anh có lợi nhuận kỷ lục. Công ty xăng dầu Equinor của Na Uy tuần trước cũng trả thêm 3 tỷ USD cổ tức cho các cổ đông sau khi báo kết quả kinh doanh quý 2 vượt kỳ vọng. Còn hãng dầu khí Total SE của Pháp cũng ghi nhận lợi nhuận đã điều chỉnh tăng gấp 3 lần lên 9,8 tỷ USD.
Không chỉ doanh nghiệp năng lượng châu Âu, hai “đại gia” năng lượng Mỹ Exxon và Chevron cũng hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu. Chevron đạt lợi nhuận kỷ lục 11,62 tỷ USD trong quý 2, tăng từ mức chỉ 3,08 tỷ USD cùng kỳ năm 2021. Còn Exxon thu về lợi nhuận 17,9 tỷ USD trong quý, tăng gấp gần 4 lần so với mức 4,7 tỷ USD một năm trước đó.
Đầu tuần trước, các chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể kéo dài tới năm 2025.
“Chúng tôi dự báo giá khí đốt ở châu Âu sẽ một lần nữa bị đẩy lên cao hơn trong mùa hè năm 2023, khi nhu cầu liên tục giảm do giá cao một lần nữa trở thành được quan tâm nhất”, nhóm chiến gia dẫn đầu bởi giám đốc nghiên cứu về khí tự nhiên Samantha Dart của Goldman Sachs, nói. "Theo quan điểm của chúng tôi, môi trường giá giảm được duy trì và bền vững hơn sẽ không có khả năng xảy ra ở châu Âu cho đến năm 2025”.
Ngược lại với các doanh nghiệp, người tiêu dùng ở châu Âu đang vật lột với hóa đơn khí đốt tăng chóng mặt.
Hãng tư vấn năng lượng BFY tuần trước cảnh báo rằng các hộ gia đình tại Anh có thể chứng kiến hóa đơn nhiên liệu của họ tăng gần 3.500 Bảng (tương đương 4.280 USD) vào cuối năm 2022 – tức tăng gấp ba lần trong vòng một năm.
Nhiều nhà phân tích kêu gọi các công ty dầu khí tái đầu tư lợi nhuận khổng lồ của họ để giúp tăng nguồn cung, từ đó hạ nhiệt cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu.
"Cần phải làm mọi cách để giảm việc tiêu thụ năng lượng và tăng nguồn cung”, chiến lược gia Tucker của Infosys nói.
Tuần trước, các nước EU đã nhất trí giảm tiêu thụ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông, ứng phó với việc nguồn cung từ Nga ngày càng bị siết lại và chuẩn bị cho tình huống có thể bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn.