July 21, 2021 | 08:00 GMT+7

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn lập kỳ tích với nhãn lồng Hưng Yên

Lưu Hà -

Cùng với tín hiệu tích cực từ Nhật Bản, 3 tấn nhãn Hưng Yên lần đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh trong  vài ngày tới đây...

Ngày 15/7, “Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021” do UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức đã thu hút sự chú ý của 21 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị là cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư, xúc tiến tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho quả nhãn và các nông sản tiêu biểu khác của tỉnh Hưng Yên. Với điểm cầu chính từ Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, Hội nghị đã kết nối với 15 điểm cầu trong nước và 60 điểm cầu nước ngoài từ 21 quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Theo đó, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, năm nay số lượng vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng tới 750% so với năm 2020, do đó các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn lặp lại kỳ tích này với trái nhãn tươi của Việt Nam.

Đại diện cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, ông Shiotani – Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON OPVALU Việt Nam cho biết: Chúng tôi muốn truyền bá rộng rãi nhãn của Hưng Yên nói riêng, nhãn của Việt Nam nói chung đến không chỉ người dân Việt Nam, mà còn đến tay những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Bước tiếp theo, chúng tôi dự định sử dụng mạng lưới thương mại của AEON để xuất khẩu sang các cửa hàng AEON ở các nước châu Á lân cận.

 “Chúng tôi mong muốn quy chế hàng nông sản của hai nước sẽ được nới lỏng, để trong tương lai gần quả nhãn Hưng Yên có thể xuất khẩu sang Nhật, và bày bán rộng rãi trong toàn tập đoàn AEON cũng như quả vải”, ông Shiotani nói.

Hiện nay Nhật Bản chưa cho phép nhập khẩu chính thức quả nhãn tươi của        Việt Nam.
Hiện nay Nhật Bản chưa cho phép nhập khẩu chính thức quả nhãn tươi của        Việt Nam.

Quả nhãn là loại trái cây đặc trưng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Một số quốc gia hiện nay trồng nhãn với diện tích lớn bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… Tại Nhật Bản, quả nhãn cũng được trồng ở một số địa phương khu vực phía Nam (là nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á) như các tỉnh Kagoshima hay Okinawa, với sản lượng không đáng kể. Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhãn sấy khô/đông lạnh để chế biến thêm vào các sản phẩm chè, nước giải khát…

Với số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản tăng nhanh qua từng năm, cùng với đó là sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng của người dân Nhật Bản, các mặt hàng thực phẩm nguồn gốc Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và được đánh giá có nhiều tiềm năng để thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản.

Hiện nay Nhật Bản chưa cho phép nhập khẩu chính thức quả nhãn tươi của Việt Nam. Quá trình đàm phán mở cửa một thị trường nổi tiếng khó tính với tiêu chuẩn cao như Nhật Bản cho một loại trái cây tươi của Việt Nam chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của hai nước. Được biết, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ quá trình mở cửa thị trường, nhằm mục tiêu giúp thêm nhiều sản phẩm Việt được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ngay sau hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên diễn ra ngày 15/7, 3 tấn nhãn Hưng Yên lần đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh trong vài ngày tới đây.

Tại Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng xã Tân Hưng, Tp.Hưng Yên, các hộ dân đang chuẩn bị thu hoạch nhãn để xuất khẩu. Nhãn ở đây được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Để xuất sang châu Âu - thị trường đòi hỏi nhiều chỉ tiêu khắt khe, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hưng Yên, đơn vị lấy mẫu giám sát chất lượng, chỉ tiêu kiểm tra 821 mẫu, gửi phân tích tại Tập đoàn Eurofin Sắc Ký Hải Đăng, kết quả tất cả các chỉ tiêu của nhãn lồng ở đây đều đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường này.

Các nhà vườn trồng nhãn ở Hưng Yên đã nhiều năm nỗ lực thay đổi thói quen để sản xuất nhãn đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Các nhà vườn trồng nhãn ở Hưng Yên đã nhiều năm nỗ lực thay đổi thói quen để sản xuất nhãn đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Ông Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa cho biết, vụ nhãn 2021, doanh nghiệp cam kết xuất khẩu khoảng 60 tấn nhãn đạt chất lượng đi thị trường châu Âu. Sau khi có mẫu giám sát, ngày 15/7 doanh nghiệp sẽ thu hái và ngày 17 – 18/7 có lịch bay đưa chuyến nhãn đầu tiên sang thị trường Anh.

Vụ này, Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa sẽ thu mua 60 tấn nhãn lồng của TP Hưng Yên và huyện Khoái Châu để xuất khẩu sang châu Âu, đợt đầu có sản lượng 3 tấn nhãn. Đây là lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn. Để có tin vui này, các nhà vườn trồng nhãn ở Hưng Yên đã nhiều năm nỗ lực thay đổi thói quen để sản xuất nhãn đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Cùng với việc chuẩn bị xuất nhãn sang châu Âu, nhãn lồng Hưng Yên đang hướng đến các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Australia… Đồng thời  vào khảo sát địa bàn, thống nhất phương án thu mua, hướng dẫn các hợp tác xã, nhà vườn thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, đảm bảo theo quy trình, chất lượng.

 
Theo báo cáo từ các đơn vị chức năng của tỉnh Hưng Yên, đến nay, diện tích nhãn lồng đạt khoảng 4.800 ha, trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300 ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000 - 45.000 tấn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate